CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:45

Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức 43 tỷ USD vào năm 2025

Đó là một trong những nội dung trong Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" do Google, Temasek và đối tác Bain & Company vừa công bố mới đây.

Theo Báo cáo, năm 2019, nền kinh tế số khu vực lần đầu tiên chạm ngưỡng 100 tỷ USD, tăng 72 tỷ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức từ 20% đến 30% hằng năm. Trong khi đó, Việt Nam và Indonesia dẫn đầu khu vực với tốc độ tăng trưởng vượt mức 40%/năm.

Nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt mức  43 tỷ USD vào năm 2025 - Ảnh 1.

Nền kinh tế số Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ.

Sự tăng trưởng vượt trội khắp Đông Nam Á đến từ việc số lượng "cư dân trực tuyến" trong khu vực tăng vọt thêm khoảng 100 triệu người so với 4 năm trước. Thị trường khách hàng trên đà tăng trưởng này đã tạo động lực cho các doanh nghiệp trong khu vực tiếp thu và tận dụng các công cụ kỹ thuật số để mở rộng quy mô một cách nhanh chóng. Theo dự báo, đến năm 2025, nền kinh tế số khu vực sẽ tăng gấp 3, chạm mức 300 tỷ USD, rút ngắn khoảng cách với những thị trường phát triển hơn về tỷ lệ đóng góp vào GDP.

Là khu vực có nhiều người dùng internet gắn kết nhất thế giới, Đông Nam Á đang tự định hình các xu hướng công nghệ. Khi nói đến các dịch vụ như gọi xe công nghệ hay giao món ăn, khu vực này đang tăng trưởng nhanh hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Hơn 150 triệu dân trong khu vực hiện đang mua những thứ họ cần qua mạng với giá trị thương mại điện tử hiện tại đạt đến 35 tỷ USD, so với chỉ 5 tỷ USD vào năm 2015 và đang trên đà chạm đến 150 tỷ USD vào năm 2025. Ứng dụng gọi xe công nghệ cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ với 40 triệu người gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người vào năm 2015.

Đối với Việt Nam, Báo cáo cho thấy, nền kinh tế số nước ta năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ USD và sẽ bứt phá lên 43 tỷ USD vào năm 2025. Động lực chính của sự phát triển này đến từ mảng thương mại điện tử với những "tay chơi" dẫn dắt thị trường như: Shopee, Tiki, Lazada và Sendo.

Tổng giá trị giao dịch (GMV) trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 5 tỷ USD trong năm 2019, cao gấp 12,5 lần mức 0,4 tỷ USD của năm 2015. Dự đoán, GMV ngành này sẽ tăng tới 23 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 49%. Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến và gọi xe trực tuyến cũng có sự vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế số Việt Nam.

Việt Nam hiện là thị trường thu hút nguồn đầu tư đứng thứ 3 khu vực với 600 triệu USD trong khoảng thời gian từ 2018 đến nửa đầu năm 2019. Trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt top 7 thành phố lớn phát triển nền kinh tế số của khu vực. Năm nay, mặc dù số lượng các thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị đạt được cao hơn. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica đến từ các nhà đầu tư quốc tế đã góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư.

Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng internet, trung bình người Việt dành 3 giờ 12 phút sử dụng internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone), và theo tỷ lệ trung bình trong khu vực, việc sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc.

Báo cáo này cũng đưa ra khuyến nghị, để đạt được mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 27/9/2019, Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản hiện hữu như: nguồn nhân lực trình độ cao, vấn đề an ninh mạng, áp lực cạnh tranh từ quá trình hội nhập, năng lực nội tại của doanh nghiệp trong nước...

MINH CHÂU

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh