'Nền kinh tế số chính là nền kinh tế của phụ nữ'
- Tây Y
- 02:00 - 29/10/2017
TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định vai trò quan trọng của doanh nhân nữ trong nền kinh tế số
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn “Doanh nhân nữ trong nền kinh tế số” chiều ngày 27/10, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) khẳng định: “Nền kinh tế số chính là nền kinh tế của phụ nữ”.
TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng 4.0, cuộc cách mạng của khoa học công nghệ, tác động đến hai chủ thể quan trọng là các doanh nghiệp vừa, nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và phụ nữ. Đây là cơ hội lớn cho chị em làm chủ và là người dẫn đường trong nền kinh tế số, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
“Hai mỏ tài nguyên lớn nhất này sẽ là thế mạnh trong nền kinh tế số, bởi nền kinh tế hiện nay cần sự thông minh, uyển chuyển, đó chính là thế mạnh của phụ nữ. Nền kinh tế thông minh này chính là nền kinh tế của phụ nữ và các doanh nghiệp nhỏ với sự trợ giúp của công nghệ. Thế giới đang nhỏ lại và DNNVV đang lớn lên, nền kinh tế số cũng khiến lợi thế của phái mạnh nhỏ lại và ưu thế của phụ nữ lớn lên”, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Thứ trưởng Đào Hồng Lan: "Với thế mạnh của chị em linh hoạt, chủ động, nhạy bén thì cuộc CM 4.0 hay 5.0 đi nữa, thì chị em luôn mạnh mẽ để đón nhận các thách thức mới”
Phát biểu tại chương trình, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Đào Hồng Lan cho biết: "Nữ doanh nhân là nơi sử dụng nguồn nhân lực và cũng chính là nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước. Đặc biệt trong bối cảnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển không ngừng của công nghệ đã và đang mang lại nhiều tiến bộ về năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sự thay đổi nhu cầu sử dụng lao động".
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những lợi ích của nền công nghệ số thì sự phát triển không ngừng này cũng mang lại nhiều thách thức to lớn đối với nguồn nhân lực nước ta trong thời gian tới.
Với cơ cấu và chất lượng lao động, trong những năm vừa qua, vấn đề chuyển dịch cơ cấu lao động đã được tiến hành nhưng còn chậm. Đến nay, Việt Nam có trên 40% lao động làm việc trong ngành nông nghiệp và ngư nghiệp.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, hiện nước ta có trên 18 triệu lao động làm việc trong khu vực phi chính thức. Nhân lực qua đào tạo chỉ chiếm 21% lực lượng lao động. Năng suất lao động thấp, chậm cải thiện, lực lượng lao động chưa có kỹ năng cần thiết như kỹ năng đổi mới tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, phản biện, đặc biệt là ngoại ngữ.
"Với lao động nữ, bên cạnh đặc điểm chung của lao động tại Việt Nam, tỷ lệ lao động nữ có trình độ chuyên môn thấp hơn đáng kể với lao động nam. Tỷ lệ lao động nam là 24,7%, con số này ở nữ là 19%. Số lượng doanh nhân nữ ngày càng tăng nhưng về tỷ lệ doanh nhân nữ trên tổng số lao động nữ chỉ chiếm 1,9%, con số này ở doanh nhân nam là gần 4%. Đây là nguyên nhân trực tiếp gây trở ngại đến sự phát triển kinh tế, trình độ đào tạo, giảm quyền năng lao động nữ", Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
“Với thế mạnh của chị em linh hoạt, chủ động, nhậy bén thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 hay thứ 5 đi nữa, thì chị em luôn mạnh mẽ để đón nhận các thách thức mới”, Thứ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh thêm.
Hai phiên thảo luận chính với nội dung: Khởi nghiệp và kinh doanh trong kỷ nguyên số và sử dụng công cụ truyền thông xã hội để kinh doanh với khách mời là các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo. Các doanh nhân nữ thành công trong lĩnh vực công nghệ số và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh cũng mang đến nhiều cơ hội học hỏi kiến thức.
Và phiên thứ 2 là nâng cao kỹ năng cho các doanh nhân nữ tham gia diễn đàn, để có thể đáp ứng tốt nhất với những đòi hỏi khắt khe của thị trường, khách hàng…
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, chính sách thúc đẩy phụ nữ tham gia mạnh mẽ vào nền kinh tế chính là chính sách của các quốc gia trên toàn cầu. Theo thống kê tại Trung Quốc, cứ 4 chủ doanh nghiệp thì có 1 người là phụ nữ.
Đặc biệt, riêng trong các ngành có liên quan đến công nghệ, thương mại điện tử thì con số này là 2, tương đương với doanh nhân nữ trong các ngành này chiếm 55%.
“Như vậy, nếu trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế khác đều có sự tham gia 50% của doanh nhân nữ, thì mỗi quốc gia sẽ tăng trưởng được 25% GDP. Không có nhân tố nào có thể tạo nên sự tăng trưởng GDP lớn như vậy”, TS. Vũ Tiến Lộc nói.
Diễn đàn cũng tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ được cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp trong nền kinh tế số qua bài phái biểu của bà Eslisa Fernandez Saenz, trưởng đại diện tổ chức Phụ nữ Liên hợp quốc và bà Clair Deevy, chuyên gia đến từ Facebook, là những tổ chức đã hỗ trợ, góp phần cùng Việt Nam mở ra một kỷ nguyên mới cho nữ doanh nhân.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
2 tháng trước
Tin nên đọc