Nên hay không yêu cầu Google, Facebook đặt máy chủ tại Việt Nam?
- Tây Y
- 02:51 - 14/11/2017
Khoản 4, điều 34 của dự Luật, với quy định các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, và “đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam...".
"Từ quy định trên đây, có nhiều ý kiến bàn luận là liệu Facebook hay Google có rút khỏi Việt Nam hay không?", ông Nguyễn Sỹ Cương - Phó chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại cho biết.
Theo ông Nguyễn Sĩ Cương, trong cam kết của Việt Nam với WTO hay các hiệp định thương mại tự do đã và đang đàm phán, dịch vụ viễn thông được quy định cung cấp qua biên giới và không hạn chế khi tiếp cận thị trường. Ngoài ra, theo ông Cương, nội dung cam kết liên quan cũng không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp nước ngoài phải có đại diện tại Việt Nam.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Việt Dũng nêu vấn đề, Facebook là dịch vụ toàn cầu, kinh doanh tại 200 nước thì cũng phải đặt máy chủ ở cả 200 quốc gia hay sao? Nếu đặt máy chủ ở tất cả các quốc gia thì chi phí là rất lớn, không tập đoàn, công ty nào chịu nổi chi phí.
"Chúng ta không nên cứng nhắc, vấn đề là ông đặt máy chủ ở Mỹ cũng được nhưng tôi phải có quyền quản lý, phải nắm được bao nhiêu người đang sử dụng dịch vụ đó ở Việt Nam, mà điều đó thì không cần phải đặt máy chủ ở Việt Nam mới làm được", ông Dũng nói.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh lại cho rằng, đây là Luật khó, đụng chạm tới những vấn đề nóng, tuy nhiên, việc kiểm soát các trang mạng xã hội là cần thiết. Ông Thịnh cho rằng cần phải rà soát tất cả các quy định pháp luật liên quan về câu chuyện này từ trước tới nay bởi lâu nay chưa kiểm soát được tình hình an ninh mạng, “để lực lượng chống phá rất ghê”.
“Theo chúng tôi biện pháp bảo vệ hữu hiệu nhất là kiểm soát chặt chẽ những nhà cung cấp thông tin như Google, Youtube. Vậy có nên đặt máy chủ tại Việt Nam?. Chúng tôi cho rằng rất cần thiết, nếu vì mục đích bảo vệ bí mật của người tiêu dùng thì phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Tuy vậy cũng phải tôn trọng cam kết quốc tế, phải tìm mẫu số chung như thế nào để đảm bảo câu chuyện này”- ông Thịnh nêu quan điểm.
Thượng tướng Tô Lâm cho rằng, nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà ngăn chặn internet thì không thể chơi được với ai
Về phía Bộ Công an, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đánh giá rất cao tác dụng của thông tin, internet. Mạng internet đã làm biến đổi nhiều mặt quan hệ xã hội, tác động vào sản xuất, đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội, giao lưu chung, giúp năng suất lao động cao. Vì vậy, không thể ngăn chặn, cản trở được sự phát triển của thông tin điện tử, internet vì bất kể lý do gì. "Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ của mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể "chơi" được với ai, không thể hội nhập với thế giới", Thượng tướng Tô Lâm nói.
Tuy nhiên, ông cho biết, khi vào cuộc chơi chung thì bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu "chúng ta không làm chủ", nhất là trong điều kiện Việt Nam đang phát triển Chính phủ điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0..., thì các nội dung điều chỉnh đều là ứng dụng mạng. "Vì vậy, cơ quan soạn thảo nhất quán phát triển được đến đâu phải đảm bảo an ninh an toàn đến đấy. Hai nội dung này song hành với nhau", Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Ngăn Ngừa Bệnh Tim Và Đột Quỵ Ở Người Cao Tuổi: Bí Quyết Sống Khỏe Mạnh Và An Toàn
Bệnh tim và đột quỵ ở người cao tuổi là vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Bài viết cung cấp thông tin về nguyên nhân, triệu chứng, biện pháp phòng ngừa và vai trò của y học hiện đại...
1 tháng trước
Tin nên đọc