THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:06

Nên cho con học gần nhà, không chạy theo cái danh “trường quốc tế”

 

 - Ảnh 1

 PGS.TS. Nguyễn Văn Dững, Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông.


- Là người làm công tác giáo dục và cũng là một người cha có con nhỏ, cảm xúc của ông thế nào khi đọc được thông tin về vụ việc đau lòng đó ?

PGS.TS. Nguyễn Văn Dững: - Nghe tin cháu bé bị trường Quốc tế Gateway bỏ quên và chết oan ức thì tôi hay bất kỳ ai làm cha làm mẹ cũng đều bị sốc nặng, uất ức. Cả đêm hôm ấy tôi không ngủ được vì thương cháu bé, mới chập chững chuẩn bị vào lớp 1 đã mãi ra đi.

- Sự vô trách nhiệm, thiếu cái tâm của những người liên quan là điều không thể chối bỏ. Vụ việc xảy ra, theo ông, là lỗi của chỉ một vài cá nhân hay lỗi của cả hệ thống giáo dục?

- Có thể nói trước hết là lỗi rất nặng của một số cá nhân cụ thể, tiếp đến là nhà trường phải chịu trách nhiệm chính trước xã hội, trước công chúng về sự việc gây rúng động này.

Ngành giáo dục và hệ thống chúng ta cũng không thể ngoài cuộc. Tại sao chúng ta tuyên bố phổ cấp giáo dục cấp 2 mà không lo được cho cả tiểu học có trường tử tế và cả các cháu mẫu giáo, nhà trẻ cũng phải gửi tá túc chờ may rủi? 

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng giảng dạy hiện nay (cả về văn hóa, kỹ năng sống) của các trường quốc tế, trường chất lượng cao, trường chuyên, lớp chọn… trong khi ngày càng nhiều phụ huynh có nhu cầu cho con vào học những trường này?

- Nhu cầu cần tìm trường học chất lượng cho con cháu mình là chính đáng và các trường mở ra ngày càng nhiều, quảng cáo ngày càng hấp dẫn để… hút khách. Nhưng thực tế, theo quan sát của tôi, không mấy trường có chất lượng như mong muốn.

Lý do là lấy đâu ra đội ngũ giảng viên chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng, cả mẫu giáo đến đại học, trong khi các trường này chủ yếu chọn người quen, người “gửi gắm”; mặt khác năng lực quản trị của các cơ sở còn rất thấp, môi trường pháp lý còn lắm vấn đề và lợi ích nhóm có nhiều cơ hội để thao túng.

Trường quốc tế, lớp quốc tế đều thế cả. Mở ra để thu tiền cao mà chất lượng dịch vụ không tương xứng, thậm chí có những lớp, những trường thấp hơn bình thường. Không ít những cha, mẹ học sinh bị mê mẩn vào cái mê hồn trận quảng cáo này.

- Ông có lời khuyên cho phụ huynh đã và đang có ý định muốn cho con vào học những trường, lớp nói trên ?

Từ kinh nghiệm hơn 40 năm làm giáo dục và với tầm quan sát của mình, tôi có một sô lời khuyên:

Một là, tiểu học hay trung học cơ sở thì nên cho con học gần nhà, gần với môi trường và quần thể sinh sống gần gũi của bé, tiện đưa đón và dễ xử lý khi có bất trắc. Vì thế trong quy hoạch, địa bàn nào cũng có trường công lập, tất nhiên chưa đủ chỗ cho mỗi lớp 30 - 40 cháu.

Hai là, dạy cho con kỹ năng sống, kỹ năng chơi, kỹ năng ăn, uống cẩn thận để tự bảo vệ mình trong môi trường thực phẩm hiện nay. Cho con ăn sáng ở nhà (vì không phải dậy sớm mắt nhắm mắt mở để lên xe trong khi bụng đói lép, lại khát nước, …); cho con học và chơi thoải mái (các ngôi trường công có sân chơi là thế, học sinh có chỗ chạy nhảy…) theo tâm lý lứa tuổi; không choáng ngợp với những ngôi trường nước sơn bóng loáng, bàn ghế đẹp nhưng như cái cũi nhốt học sinh.

Ba là, không chạy theo cái “danh” con mình học ở “trường quốc tế” và “lớp chọn”, càng không thúc ép con vì điểm cao… mà hãy rèn dạy cho con có ý thức tự học và vui chơi hợp lý. Ở Nhật Bản, tỷ lệ cao học sinh, sinh viên tự tử là do sức ép học tập.

Bốn là, hãy có kế hoạch thời gian vui chơi cùng con, khuyên bảo con học hành, không khoán trắng cho nhà trường hay gia sư.

Năm là, cho con học trường quốc tế chỉ ở bậc đại học, cao đẳng và ở các nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật – công nghệ hay kinh tế; với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn thì không nên.

Chúc các con đi học thì gặp mái trường thoáng đãng có sân chơi, gặp thầy cô tốt và giỏi; ốm đau thì gặp thầy thuốc giỏi và tốt. Chúc các bậc cha mẹ hãy tỉnh táo, cẩn trọng, hợp lý khi gửi con vào trường và đừng bị bệnh hình thức, tài chính chi phối nhiều.

- Trân trọng cảm ơn ông!

CÙ HÒA (thực hiện)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh