‘Nếm mật nằm gai’ với công nghệ ‘độc’
- Dược liệu
- 16:32 - 25/10/2015
Khá rụt rè khi tiếp xúc với chúng tôi bởi với anh Hoàng Nam Hải - CEO Công ty ManaTech thì anh vẫn chưa thành công dù anh là một chuyên gia hàng đầu với gần 20 năm trong mảng lập trình. Dù vậy, khi nói về lĩnh vực mà mình yêu thích, anh Hải tự tin và quên hết tất cả, niềm hưng phấn với công nghệ của anh vẫn như những con sóng tuôn trào.
Chuyện về một “Mr thất bại”
Là thế hệ đầu ở Hà Nội tiếp cận với lĩnh vực công nghệ thông tin, anh Hải là bạn đồng môn với những nhân vật cộm cán trong ngành công nghệ như Vương Vũ Thắng (VCCorp), Vương Quang Khải (VNG), Nguyễn Hòa Bình (Chợ điện tử)… thế nhưng đến nay cái anh Hải có vẫn chỉ là niềm đam mê.
Tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2002, từng đoạt giải nhất hội thi tin học năm đó, sau đó tốt nghiệp thạc sĩ kinh doanh công nghệ tin học tại Hàn Quốc. Từng được nhiều công ty mời gọi nhưng anh Hải lại quyết định chọn một hướng đi đó là làm chủ cho các dự án công nghệ do mình xây dựng.
Mặc dù thời điểm đó ứng dụng di động vẫn là một lĩnh vực xa lạ, anh Hải nhận thấy đây là một xu thế thời đại nên chọn đây là lĩnh vực chính để phát triển. Từng xây dựng các ứng dụng hữu ích như cổng thông tin OneApp (chuyên cung cấp các thông tin về chứng khoán, thời tiết, thời sự, từ điển, bản đồ), Zing Me Client (cho phép người dùng trải nghiệm mạng xã hội Zing Me dạng mobile), ứng dụng Sóng vàng (cung cấp những địa điểm danh bạ như sách trang vàng), ứng dụng World Cup 2010 và một số game trên di động.
Trong đó đáng chú ý là khoảng năm 2010, ứng dụng về đọc báo trên smartphone giống như các phần mềm đọc báo bấy giờ thu hút được lượng lớn người dùng. Ứng dụng này cũng đem về cho anh Hải và bạn bè một khoản thu khá lớn đủ để phát triển công ty. “Không giống như những ứng dụng khác, mình xây dựng tính năng đọc báo theo phân vùng địa lý, phát hiện thông qua 3G và tính năng định vị. Nguồn tin thì lấy ở đúng vị trí người dùng đang ở, sau đó phân phối tin cho bạn đọc. Đơn cử như người dân Bình Dương thì họ chỉ đọc báo ở Bình Dương, họ ít quan tâm đến việc kẹt đường hay ngập nước ở Hà Nội” - anh Hải phân tích.
Tuy nhiên, dù được nhiều người dùng thế nhưng anh Hải nhận thấy đây không phải là mô hình khả dụng với một công ty tầm như anh. Theo anh Hải, trong phần mềm thì nội dung rất quan trọng, giá trị chính nằm ở nội dung chứ không phải kỹ thuật. Và vấn đề quan trọng nhất chính là bản quyền từ các nguồn báo, vốn là cái mà anh không có. Đặc biệt là những tác động từ cơ quan quản lý khiến anh quyết định bỏ ngang.
Sau đó công ty anh Hải bắt đầu lâm vào khủng hoảng, các game di động không thu hút được người dùng vì nền tảng điện thoại thay đổi. Các phần mềm mới cũng không thu hút người dùng, công ty không còn sản phẩm nào để kinh doanh. “Tính ra bây giờ mình cũng code được gần 20 năm, bạn bè cùng thời giờ họ đã hoành tráng lắm rồi nhưng mình thì vẫn chỉ là startup (khởi nghiệp)” - anh Hải thở dài.
Anh Hải dự định sẽ demo giao diện ứng dụng cho nhiều trang web chưa thân thiện với thiết bị di động. Ảnh: MINH HOÀNG
Hai năm trời cho một ứng dụng
Khoảng 2-3 năm nay, chấp nhận khó khăn không có nguồn thu nhưng anh Hải và các đồng sự không từ bỏ đam mê. Thành viên công ty từ một đội gần 10 người, giờ còn ba người mà toàn là sáng lập. Mọi người quyết định xây dựng một dự án gần gũi người dùng nhất. Mà theo anh Hải, anh và bạn bè chấp nhận thất bại, tiếp tục theo đuổi các dự án mà theo anh chính là tìm những “con hổ” thay vì chỉ xây dựng những dự án tầm “con mèo”.
Giữa tháng 5-2013, anh và các đồng sự quyết định xây dựng một dự án mà mọi người cảm thấy hữu ích nhất và có khả năng phát triển nhất. Đó chính là xây dựng một ứng dụng mà thông qua đó người dùng có thể cải biến trang web của mình vốn không có giao diện mobile thành ứng dụng di động (ứng dụng trên các kho ứng dụng Google Play, Apple Store…).
Ứng dụng có tên là Magma, sẽ giải quyết được 80% các trang web từ giao diện thông thường thành ứng dụng mobile. Theo đó sẽ có khoảng 100 mẫu có sẵn và người dùng chỉ cần vào đó lựa chọn sao cho vừa ý. “Hiện có rất nhiều trang web gặp khó vì không có ứng dụng di động, đơn cử như những trang về Chính phủ, cổng thông tin điện tử hay website của các doanh nghiệp đã chạy lâu 3,5 năm, qua vài đời quản trị và họ sợ không dám cài thêm gì hết. Nếu cứ hoạt động trên nền web thì họ sẽ dần mất bạn đọc” - anh Hải phân tích.
Cũng theo anh Hải, cái hay của ứng dụng là có thể thay đổi cách hiển thị thân thiện hơn cách hiển thị cũ trên web. Đơn cử như khi nói về các bài thể thao thì nên có các thông tin liên quan về cầu thủ, phong độ hiện nay, đá giải nào, lịch sử…, thay vì để người sử dụng phải đi tìm thì chúng ta có thể đặt thông tin này ngay ra ngoài. Ngoài ra, những tổ chức, cá nhân cũng có thể tự tạo ra các ứng dụng mới bằng cách tái sử dụng, tái cấu trúc các nguồn nội dung đang có sẵn trên Internet.
Anh Hải chia sẻ: “Mục đích của mình là giúp mobile hóa nội dung mà không cần phụ thuộc vào đầu server với chi phí thấp. Cùng một kỹ thuật bên dưới nhưng nếu bạn có nhiều lượt chia sẻ thì sẽ thu hút được tốt hơn, đơn cử như với haivl…”.
Tìm một nhà đầu tư cùng ý tưởng
Hiện ứng dụng Magma gần như hoàn thành và đang phát triển thêm trên iOS ngoài Android. Sau khi hoàn thành anh Hải dự định sẽ làm demo trước cho các trang cổng thông tin chính phủ, 18 bộ và bốn cơ quan ngang bộ, cùng các trang web địa phương… “Mình cần phải có bản demo, tức là người dùng phải được thử trước và thấy tốt thì mới có cơ hội đầu tư hoặc kiếm được hợp đồng. Bởi khách hàng có thể có nhu cầu nhưng họ không chắc lắm là sẽ cần gì. Hiện tại thì có rất ít bên làm demo trong khi khách hàng họ muốn dùng thử rồi mới quyết định. Thường thì làm phần demo sẽ mất khoảng hai tuần hơn cho đến một tháng, lương tối thiểu cho một kỹ thuật khoảng 4 triệu đồng hoặc hơn chỉ để cho ra bản thử nghiệm. Nên ứng dụng của mình sẽ giải quyết được các vấn đề rối rắm trên” - anh Hải phân tích.
Anh Hải cũng đưa ra mức thu khoảng 5 USD/tháng cho người sử dụng mẫu thiết kế, tuy nhiên nếu hiệu quả anh có thể giảm xuống miễn phí cho thị trường trong nước và sẽ đem ra nước ngoài bán. Bởi theo anh thì cần phải có nhà đầu tư đầu tư tiền vào mới có thể tính tiếp.
Hiện tại ngoài cố gắng cầm cự xây dựng ứng dụng anh cũng đang tìm các nhà đầu tư cho dự án. Anh tự bỏ tiền túi chạy ngược chạy xuôi, thậm chí ra cả nước ngoài. Mặc dù chưa tìm được những cái gật đầu nhưng qua một số phản biện từ các nhà đầu tư thì dự án của anh Hải ngày càng hoàn thiện. Theo đó, từ một dự án bắt người dùng phải đến công ty anh thiết kế thì anh đã cải thiện cho phép người dùng tự thiết kế giao diện mobile ngay trên ứng dụng của mình và ngồi luôn tại nhà. Đặc biệt là kho dữ liệu và giao diện được anh nâng lên đáng kể.
“Làm không ra tiền và mỗi tháng chỉ có một khoản lương tiết kiệm từ tiền các dự án trước còn giữ lại, nhiều lúc gia đình không vui. Nhưng đây là trải nghiệm cho một ý tưởng về công nghệ và đó là những cái giá phải trả. Mình tin vào cái mình làm và chịu trách nhiệm về nó, nếu nó tốt thì sẽ rất tốt, còn nếu không được thì vài tháng nữa mình lại đi kiếm việc với bài học xương máu. Mình sẽ cố gắng sống tiết kiệm cho đến khi ra được ứng dụng” - anh Hải cười xòa.
Mất khách vì thiếu bản di động Theo một số nguồn thống kê thì hiện nay có khoảng 80% các web thiếu phiên bản di động, việc này cho thấy một số lượng lớn doanh nghiệp đang đuổi khách. Đó là chưa kể đến việc website không thân thiện với thiết bị di động sẽ ảnh hưởng đến kết quả tìm kiếm theo tiêu chí đánh giá các công cụ tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo…). Hay nói cách khác thứ hạng SEO của website sẽ giảm so với đối thủ. Tham khảo thống kê thực tế từ công cụ Google Analytics, một số web cho thấy tỉ lệ truy cập từ thiết bị mobile đang chiếm con số “ngất ngưởng” và càng tăng mạnh. |