CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:12

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam”

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 1.

Bàn chủ tọa điều hành Diễn đàn

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao đông Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung và Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc đồng chủ trì Diễn đàn.  

Đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam. Sự kiện cũng thu hút hơn 1.500 đại biểu tới từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có sử dụng nhiều nhân lực, các chuyên gia về giáo dục, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc.

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại Diễn đàn

Nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam

Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Với thông điệp "Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành với nhà trường tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tâm kỹ năng lao động Việt Nam", đây là diễn đàn lớn nhất từ trước tới nay trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp với nội dung về kỹ năng lao động Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong 10-15 năm tới, khoảng 1/3 công việc hiện tại Việt Nam sẽ thay đổi do tác động của cuộc cách mạng 4.0, của công nghệ thông tin, robot, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; khoảng 40% lao động toàn cầu sẽ không có kỹ năng phù hợp với công việc của mình khi robot thay thế con người. Do đó, công việc của chúng ta phải thay đổi, nhất là ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, cơ khí điện tử…

Đến nay, trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đã có hàng chục trường nghề có chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn kiểm định uy tín của Mỹ, Anh, Pháp; 25 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 12 nghề chuyển giao từ Australia; 45 trường được công nhận đủ điều kiện đào tạo 22 nghề chuyển giao từ Đức và những trường này được cấp 2 bằng để các học viên tốt nghiệp tham gia thị trường trong nước và quốc tế.

Với kinh nghiệm đào tạo của CHLB Đức, sinh viên học nghề có 70% thời gian thực hành tại doanh nghiệp, 30% học lý thuyết . Người học được thực hành nhiều để khi tốt nghiệp có thể bắt tay ngay vào công việc, đây mô hình đào tạo nghề kép, luôn luôn tồn tại 2 trường. Đó là học lý thuyết tại trường nghề, còn trường học thứ 2 quan trọng hơn là tại doanh nghiệp. Đây là yếu tố trọng tâm, xuyên suốt trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, kỹ năng người lao động, là sự thay đổi tư duy rất lớn. Nhiều quốc gia phải mất vài chục năm theo đuổi để đạt mục tiêu này.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Diễn đàn này được tổ chức nhằm tập hợp ý kiến của các đại biểu đại diện cho các cơ quan nhà nước; các chuyên gia của các nhà trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để cùng trao đổi, thảo luận, thẳng thắn đánh giá những mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, phát huy, đồng thời, nhận diện chính xác khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, từ đó tìm ra những giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kỳ vọng các đại biểu sẽ đánh giá khách quan thực trạng giáo dục nghề nghiệp của Việt Nam; chia sẻ kinh nghiệm hay, đưa ra các dự báo về kỹ năng, xu hướng tuyển dụng và việc làm; khuyến nghị chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp cho Chính phủ và các bộ cũng như tham gia tư vấn phát triển các chương trình đào tạo nghề phù họp với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động nâng cao kỹ năng của nguồn nhân lực Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên trường quốc tế.

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 3.Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong kết nối doanh nghiệp và nhà trường


Cần sự "chung sức" giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục nghề nghiệp là con đường gia nhập thị trường lao động nhanh nhất, có việc làm tốt và thu nhập ổn định.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, thời gian qua, chất lượng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tăng lên đáng kể, bởi 3 lý do: Tiếp nhận tầm nhìn, công nghệ quốc tế; đẩy mạnh tự chủ và gắn kết doanh nghiệp với nhà trường. "Học nghề ra có việc làm tốt là tự nhiên nhiều người sẽ học". Chính vì vậy, "cần có sự chung sức giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp trong vấn đề này" – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định.

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 5.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho rằng, cần coi doanh nghiệp là động lực chính phát triển đào tạo nghề, coi trọng cả 3 không gian đào tạo là xưởng, trường và không gian mạng. Doanh nghiệp cần 5 đồng hành với các trường: Tham gia đầu tư, mở trường; đặt hàng; tham gia giảng dạy, đào tạo; thẩm định đầu ra; tuyển dụng.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Vietjet Nguyễn Thanh Hà cũng chia sẻ, sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng lực lượng lao động, nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam là thực sự cần thiết để tránh lãng phí các nguồn lực trong xã hội, nâng cao hiệu quả đào tạo. Doanh nghiệp sẽ có những đóng góp thiết thực nhất vào các bước hoàn thiện quy trình, nội dung giáo dục nghề nghiệp.

“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” - Ảnh 6.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT phát biểu tại Diễn đàn

Ông Trương Gia Bình đại diện Tập đoàn FPT cũng cho rằng, công cuộc chuyển đổi số để làm tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế số và cho rằng, trong quá trình này, nhất thiết phải có các nhà lãnh đạo số, nhà quản trị số và nhân viên số. Do đó các doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo cần bắt tay chặt chẽ, đưa ra các chứng chỉ cho các cấp độ nhân lực này.

PHƯƠNG MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh