THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 12:48

Năng lực mới là yếu tố thuyết phục nhà tuyển dụng

Người học phải tự lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với mình.

Người học phải tự lựa chọn hướng đi phù hợp nhất với mình.

Chưa đầy 2 tháng nữa, con của chị Nguyệt Ánh (Biên Hòa, Đồng Nai) sẽ tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Do vậy, thời gian này, ngoài việc động viên con cố gắng ôn luyện để thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tốt, chị Ánh lại băn khoăn giữa việc lựa chọn bậc học cho con để làm sao vừa phù hợp với kinh tế của gia đình mà ra trường dễ xin việc làm. 

Nhiều trường ĐH dự kiến tăng tới 20% học phí từ năm học 2023 - 2024. Trong khi đó, lực học của con chị cũng bình thường nên gia đình cân nhắc hướng học nghề. “Nếu cháu đỗ một trường ĐH không thuộc "hàng top" hoặc ngoài công lập thì ngoài học phí cao kéo dài suốt 4 năm, gia đình sẽ phải gánh thêm chi phí ăn ở, sinh hoạt hằng tháng khi con học xa nhà. Chưa kể, học xong ĐH liệu con có việc làm ngay không”, chị Ánh nói.

Theo ghi nhận, không ít phụ huynh có con học lớp 12 có chung băn khoăn này. TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trước khi đưa ra sự lựa chọn, thí sinh, phụ huynh cần hiểu rõ, hiện thị trường lao động Việt Nam thiếu cả nhân lực tốt nghiệp ĐH, cao đẳng và trường nghề. Mỗi bậc học sẽ có ưu và nhược điểm riêng. Với bậc ĐH, về mặt bằng cấp, trình độ đào tạo sẽ cao hơn cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Về thang bảng lương, ngay trong Nhà nước đã quy định, nếu tốt nghiệp ĐH, mức lương sẽ hơn tốt nghiệp cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xét tổng thể, cơ hội thăng tiến đối với học sinh tốt nghiệp ĐH sẽ tốt hơn giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, hạn chế của việc học ĐH là thời gian học dài hơn, tiêu chí tuyển sinh đầu vào cao hơn và học phí cũng đắt hơn so với học nghề.

 

"Nhược điểm của bậc ĐH chính là ưu điểm của học nghề. Các em có tìm được việc làm hay không, việc làm có tốt không, thu nhập thế nào thì ngoài thang bảng lương như đã nói ở trên còn phụ thuộc vào chính các em. Năng lực làm việc của các em có đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hay không. Vì vậy, người học phải tự lựa chọn cho mình hướng đi phù hợp với mình, không có phương án tối ưu", TS Phạm Như Nghệ phân tích.

Theo ông Nguyễn Duy Thanh, đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam, ĐH hay trường nghề chỉ là con đường, không phải lựa chọn cuối cùng. Chọn học nghề hay ĐH trước hết phải căn cứ vào năng lực, sở thích, đam mê, điều kiện của các bạn.

“Ở góc độ DN, chúng tôi quan tâm đến việc các bạn có kỹ năng làm việc, có thái độ tốt hay không chứ không phải các bạn tốt nghiệp bậc học nào. Là chủ DN, tôi sẵn sàng thuê người làm được việc và trả lương theo năng lực chứ không căn cứ vào bằng cấp mà bạn có. Vì vậy, các bạn trẻ cứ tự tin chọn trường, chọn ngành theo năng lực, sở thích”, ông Thanh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, nhiều sinh viên đã không xác định được sở thích, năng lực của bản thân, chọn trường theo phong trào, theo nguyện vọng của cha mẹ, thậm chí là theo bạn bè mà không tìm hiểu kỹ sự phù hợp của ngành nghề với bản thân, dẫn đến thiếu sự chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên, ngành học, để đến khi ra trường vẫn mơ hồ và thất nghiệp.

Mỗi mùa tuyển sinh, các chuyên gia luôn nhấn mạnh với các thí sinh về định hướng nghề nghiệp, xác định rõ lộ trình phát triển bản thân; đừng chạy theo những ngành nghề “hot” chỉ được hướng dẫn lý thuyết mà thiếu thực hành, dẫn đến tình trạng dù đã được đào tạo nhưng sau khi ra trường lại không biết làm gì.

Bên cạnh đó, thí sinh và phụ huynh cũng cần thay đổi tư duy về việc học ĐH hay học nghề. Bởi nhà tuyển dụng không còn coi trọng bằng ĐH hay trường nghề mà chủ yếu yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng và tác phong, thái độ làm việc. Nghĩa là, năng lực thực sự mới là yếu tố quyết định đến việc bạn có được lựa chọn hay không chứ không phải tấm bằng bạn sở hữu.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh