THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:35

Nâng cao quản lý các dự án đầu tư và an toàn lao động trong các dự án xây dựng

 

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng ở Việt Nam” (Dự án CCQS) chiều 8/12,tại TP.Hồ Chí Minh, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức.

Hạn chế tình trạng thất thoát, đội vốn

JICA cho biết, hội thảo nhằm chia sẻ các kết quả hợp tác kỹ thuật của dự án và các vấn đề then chốt liên quan đến pháp luật về xây dựng của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Sau hơn một năm chuẩn bị và thực hiện dưới sự hợp tác của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và JICA, dự án đã đạt được những kết quả tích cực, nâng cao năng lực cho cán bộ ngành xây dựng trong việc đảm bảo an toàn lao động; đồng thời, giúp quản lý tốt hơn các dự án đầu tư xây dựng, hạn chế tình trạng thất thoát, đội vốn.

 

Ảnh minh họa

 

Ông Phạm Khánh Toàn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Xây dựng) cho biết: Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững trong những năm gần đây và thực hiện rất nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn.

Tuy nhiên, do việc quản lý chất lượng dự án và quản lý an toàn trong các công trình xây dựng còn thiếu sót nên còn để xảy ra nhiều vụ tai nạn xây dựng. Ngoài ra, hợp đồng của các dự án xây dựng chưa được quản lý hiệu quả dẫn đến nhiều tranh chấp trong giai đoạn thi công và gây khó khăn cho việc triển khai dự án.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị JICA triển khai dự án CCQSP. Dự án được chuẩn bị và thực hiện kể từ tháng 4/2015, dự kiến kéo dài đến hết tháng 3/2018.

Về phía ông Shoichi Takada, Cố vấn trưởng dự án “Tăng cường năng lực về dự toán chi phí, quản lý hợp đồng, chất lượng và an toàn trong các dự án đầu tư xây dựng tại Việt Nam” chia sẻ kinh nghiệm quản lý xây dựng từ thi công, chi phí, mua sắm, an toàn, vệ sinh lao động cho đến quản lý môi trường và độ rủi ro.

Theo đó ông Takada cho rằng, các nguyên tắc cơ bản trong xây dựng công trình như an toàn là ưu tiên hàng đầu, loại trừ nguyên nhân, phòng ngừa triệt để, tuân thủ triệt để pháp luật và các quy định liên quan, phòng ngừa triệt để tai nạn đối với cộng đồng, sử dụng an toàn máy, thiết bị…

Xây dựng là ngành chiếm 10% lực lượng lao động của cả nước 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Minh Hà, Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng- Bộ Xây dựng, xây dựng là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân với hơn 70.000 doanh nghiệp, chiếm 10% lực lượng lao động của cả nước (mỗi năm có khoảng 50.000 công trình xây dựng mới trên cả nước).
Số liệu thống kê cho thấy, các vụ tai nạn lao động trong ngành xây dựng gây thương vong lớn như sập giàn giáo tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh – Hà Đông, sập giàn giáo tại Khu công nghiệp Formosa Hà Tĩnh (13 người chết, 28 người bị thương), sập giàn giáo dự án Mapletree Business Centre – Khu phức hợp Nam Sài Gòn (3 người chết, 1 người bị thương nặng), sập nhà ở riêng lẻ 3 tầng tại 43 phố Cửa Bắc, Ba Đình, Hà Nội (2 người chết)…

Nguyên nhân khiến số vụ tai nạn lao động do sự cố kỹ thuật gây mất an toàn xây dựng gia tăng là do việc quy trách nhiệm, xử lý vi phạm còn hình thức, chế tài xử phạt chưa nghiêm, việc tổ chức đánh giá nguyên nhân còn chậm, không công bố kết quả điều tra…

Để tháo gỡ các vấn đề nói trên, Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan làm rõ vai trò, trách nhiệm, phạm vi, quyền hạn của các bộ về quản lý an toàn trong thi công xây dựng.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đang xây dựng và sắp ban hành thông tư thay thế Thông tư 22/2010/TT - BXD về quy định an toàn trong xây dựng và hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động với nhiều điểm mới như quy định chủ đầu tư thành lập bộ phận quản lý an toàn trên công trường, xây dựng kế hoạch quản lý về an toàn, trách nhiệm và mối quan hệ của các chủ thể đối với công tác quản lý an toàn…

Theo JICA, dự án CCQS nhằm thúc đẩy việc quản lý các dự án xây dựng tại Việt Nam theo các chuẩn mực và quy định quốc tế, từ đó nâng cao chất lượng các dự án và công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách.

Dự án sẽ đưa ra kế hoạch chuẩn về quản lý chất lượng; kế hoạch chuẩn về quản lý an toàn; hướng dẫn chung về lập dự án chi phí gián tiếp trong dự toán xây dựng công trình; dự thảo phương pháp đánh giá năng lực chuyên môn của nhà thầu thi công.

“JICA đặc biệt coi trọng dự án này và tin rằng nó sẽ đem lại giá trị lớn cho các doanh nghiệp cả phía Việt Nam cũng như Nhật Bản”, ông Kenichi Yamamoto, Phó trưởng đại diện JICA Việt Nam chia sẻ.

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh