CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:01

Kiểm tra an toàn lao động trên cả nước

° Phóng viên: Nhiều người cho rằng tình hình tai nạn lao động và cháy nổ đáng báo động, Thứ trưởng đánh giá như thế nào? 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp

° Thứ trưởng DOÃN MẬU DIỆP: Trong năm 2015, cả nước đã xảy ra 7.620 vụ tai nạn lao động làm 7.785 người bị nạn. Trong đó có 629 vụ gây chết người với số thiệt mạng là 666 người và số người bị thương nặng là 1.704 người. Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương và của cơ quan thanh tra lao động thuộc Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trong năm 2015 và các tháng đầu năm 2016, tình trạng vi phạm gây tai nạn lao động xảy ra chủ yếu trong ngành xây dựng và có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo thống kê, lĩnh vực xây dựng chiếm 35,2% tổng số vụ tai nạn chết người và 37,9% tổng số người chết, tiếp đến là các lĩnh vực cơ khí chế tạo, lĩnh vực khai thác khoáng sản, lĩnh vực sản xuất nông lâm nghiệp. Các yếu tố làm chết người nhiều nhất là: ngã từ trên cao chiếm 28,1% tổng số vụ và 26,4% tổng số người chết; điện giật chiếm 18,9% tổng số vụ và 17,2% tổng số người chết; vật rơi, đổ sập chiếm 16,8% tổng số vụ và 22,6% tổng số người chết.

° Các trường hợp gây tai nạn chủ yếu là do người lao động hay do doanh nghiệp, người sử dụng lao động?

°Theo sàng lọc và phân loại thì nguyên nhân do người sử dụng lao động chiếm tới 52,8%. Các hình thức vi phạm chủ yếu gồm: người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 25,2% tổng số vụ; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 14,3% tổng số vụ; người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động chiếm 9,7% tổng số vụ và do tổ chức lao động, điều kiện lao động chiếm 2,6% tổng số vụ; do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1%. Còn các vụ tai nạn do người lao động chiếm 18,9%.    

                     
 

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp và đoàn công tác thăm hỏi nạn nhân vụ TNLĐ tại công trường Formosa Hà Tĩnh
 

° Tại sao những năm gần đây tình trạng mất an toàn lao động và cháy, nổ lại ngày càng nghiêm trọng, gây lo lắng cho người lao động và xã hội?

°Những năm gần đây số lượng doanh nghiệp tăng nhanh, từ 250.000 doanh nghiệp năm 2005 lên 650.000 doanh nghiệp sau 10 năm (2015) nên năng lực bộ máy làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý cả ở cấp trung ương và địa phương. Hiện nay, nhân lực đáp ứng cho công tác kiểm tra, thanh tra lao động đều thiếu. Mỗi tỉnh chỉ có từ 3 - 4 cán bộ làm công tác thanh tra và quản lý về an toàn lao động (trừ một số thành phố lớn). Tỷ lệ thanh tra có chuyên môn cũng rất thấp (chỉ có khoảng 30%). Một số địa phương không có thanh tra chuyên môn về an toàn lao động. Do đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không được thanh tra, kiểm tra kịp thời để ngăn ngừa tai nạn lao động. Trong khi chế tài xử phạt còn quá nhẹ và chỉ có rất ít vụ tai nạn lao động nghiêm trọng bị khởi tố và truy tố bị can (mỗi năm chỉ có 2-3 vụ) nên tính răn đe còn hạn chế. 

° Dư luận xã hội hiện nay không hài lòng về tình trạng số vụ mất an toàn lao động nghiêm trọng ngày càng gia tăng nhưng số bị khởi tố và xử lý lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, Thứ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?

° Năm 2015, ngoài một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra nên chưa có hình thức xử lý thì cũng đã có 5 vụ được chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát nhân dân đề nghị khởi tố, trong đó có 1 vụ đã xét xử. Đó là vụ tai nạn do sập giàn giáo xảy ra ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương tại hạng mục đúc thùng chìm, công trường thi công sản xuất và lắp đặt thùng chìm trọng lực tại Dự án Formusa của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formusa Hà Tĩnh thuộc Khu kinh tế Vũng Áng - Hà Tĩnh. Ngoài ra còn vụ tai nạn sập đổ cẩu tháp tại thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp và một số vụ tai nạn lao động của các năm trước cũng đã được xét xử, như vụ tai nạn tại Công ty Thuộc da Hào Dương (trụ sở đặt tại KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM). Tuy nhiên, còn những vụ khác vẫn chưa được cơ quan chức năng khởi tố. 

 

Vụ TNLĐ tại công trường Formosa Hà Tĩnh hồi tháng 3/2015 gây hậu quả nghiêm trọng

 

° Theo quy định thì hiện nay việc theo dõi tình trạng chấp hành và vi phạm Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thuộc trách nhiệm Bộ LĐ-TB&XH. Vậy Bộ LĐ-TB&XH làm gì để quản lý được tình trạng nhức nhối này? 

° Bên cạnh việc thực thi đúng các quy định của Luật ATVSLĐ để tăng cường phòng ngừa tai nạn lao động thì theo tôi cần nâng cao trách nhiệm của nhà nước trong quản lý và đầu tư cho công tác ATVSLĐ, đồng thời khẩn trương hoàn chỉnh các văn bản pháp quy dưới luật về ATVSLĐ và hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ATVSLĐ. 

Để tăng cường vai trò cơ quan quản lý nhà nước về ATVSLĐ, cần xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành và tổ chức kiểm tra trong các lĩnh vực phóng xạ; thăm dò, khai thác dầu khí; các phương tiện vận tải đường sắt, đường bộ, đường hàng không. Dự kiến sẽ có khoảng 300 cán bộ thuộc các cơ quan quản lý nhà nước ở các bộ, ngành, địa phương có chuyên môn phù hợp bổ sung cho lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ. Từng bước tăng cường cả về số lượng và chất lượng thanh tra viên về ATVSLĐ, bảo đảm cho các đơn vị, doanh nghiệp có sử dụng máy, thiết bị, vật tư, hóa chất độc hại phải được kiểm tra, thanh tra ít nhất mỗi năm một lần. Đặc biệt sẽ triển khai các chiến dịch thanh tra ATVSLĐ trong lĩnh vực xây dựng, trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm ATVSLĐ gây tai nạn lao động nghiêm trọng. 

Bộ LĐ-TB&XH cũng đang nghiên cứu xây dựng mô hình đảm bảo an toàn lao động tại mỗi doanh nghiệp, đảm bảo mỗi doanh nghiệp phải có người có chuyên môn phù hợp hoặc được bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ. Tại các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. 

Cuối tháng 3-2016, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phát động cao điểm về đảm bảo ATVSLĐ và phòng chống cháy nổ. Đồng thời triển khai chiến dịch thanh tra trên phạm vi cả nước về tình hình tuân thủ các quy định an toàn lao động. 

° Cảm ơn Thứ trưởng! 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh