Bà Rịa – Vũng Tàu: Nâng cao năng lực chống bạo hành trẻ em cho giáo viên mầm non
- Dược liệu
- 20:02 - 25/06/2017
Bảo vệ, chăm sóc trẻ em là lĩnh vực luôn được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đặc biệt quan tâm. Mục tiêu của tỉnh là đảm bảo cho trẻ em được bảo vệ, được sống trong môi trường an toàn và thân thiện với trẻ em; chủ động ngăn ngừa, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; hỗ trợ phục hồi, hòa nhập và có cơ hội phát triển cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bóc lột, bị sao nhãng.
Tập huấn nâng cao năng lực bảo vệ chăm sóc trẻ em
Thời gian qua, các cấp, các ngành ở địa phương đã đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, trợ giúp trẻ em. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em. Triển khai xây dựng môi trường lành mạnh, không có bạo lực trong nhà trường và các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mầm non. Triển khai có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Cùng với đó là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, năng lực về bảo vệ trẻ em cho cán bộ quản lý, giáo viên, cán bộ phụ trách công tác đoàn - đội.
Tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên mầm non về chống bạo hành, bạo lực đối với trẻ em là một nội dung thiết thực, kịp thời nhằm tăng cường cho đội ngũ giáo viên mầm non kiến thức, kỹ năng về chống bạo hành, bạo lực đối với trẻ nói riêng và những hạn chế, yếu kém trong giáo dục cấp học mầm non trong thời gian qua nói chung. Đồng thời qua đó góp phần vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục tỉnh nhà, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tích cực trong hành động nhằm đổi mới cả về mục tiêu giáo dục, nội dung và phương pháp giáo dục; thay đổi về định hướng và tư duy giáo dục.
Theo đó, công tác bồi dưỡng dự kiến thực hiện trong hè 2017, chia làm 02 đợt, mỗi đợt 3 ngày. Số lượng bồi dưỡng khoảng 1.000 người - đối tượng là đại diện ban giám hiệu, một số giáo viên, trong đó chọn mỗi huyện 01 trường thực hiện thí điểm 10 giáo viên.
Về hình thức và nội dung bồi dưỡng, thông qua các câu chuyện thực tế, giáo viên đứng lớp sẽ lồng ghép nội dung kiến thức giúp giáo viên làm chủ cảm xúc, hạn chế việc gây ra bạo hành, bạo lực đối với trẻ em. Phương pháp giảng dạy theo lập trình ngôn ngữ tư duy - một môn khoa học và nghệ thuật về sự xuất chúng của mỗi cá nhân.