THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:36

Nâng cao nhận thức về tuyên truyền y tế biển, đảo

 

Dự tập huấn có lãnh đạo Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng (Bộ Y tế) và lãnh đạo một số Sở TT-TT phía Nam, đại diện nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Thông qua tập huấn, các phóng viên, biên tập viên đã nắm rõ hơn về Đề án Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam; tầm quan trọng của y tế biển, đảo Việt Nam. Hàng loạt kinh nghiệm quý về các hình thức thông tin tuyên truyền cũng được thảo luận tại tập huấn.

 

  Ông Nguyễn Thành Chung phát biểu khai mạc tập huấn

 

Ông Nguyễn Thành Chung, Phó cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh: Mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước là làm sao truyền thông được cho người dân lẫn đội ngũ y, bác sĩ hiểu sâu sắc tầm quan trọng của việc chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, nhất là vùng biển, đảo. Chúng ta có thể linh hoạt nhiều cách truyền thông khác nhau thông qua truyền hình, băng rôn, báo viết, báo đa phương tiện…Chúng ta phấn đấu đến năm 2020 có 100% Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh/thành phố ven biển và mỗi Bộ ngành kinh tế biển, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Dầu khí có 1 đơn vị đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển, đảo. Với các xã đảo độc lập trên biển đạt 100% có trạm y tế xã, trong đó 50% đạt tiêu chí chuẩn y tế cho vùng biển, đảo, 40% bệnh viện/trung tâm y tế huyện đảo có khả năng triển khai kỹ thuật ngoại khoa tương đương bệnh viện hạng 2.

        Các đại biểu thảo luận

 

Đại diện cho Bộ Y tế, ông Vũ Mạnh Cường, Vụ phó vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng đã truyền tải nhiều thông tin bổ ích về truyền thông y tế. Bộ Y tế hiện đang triển khai mạnh mẽ Đề án 1816, trong đó tinh thần nòng cốt là cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thực tế cho thấy, do sự vận động của nền kinh tế thị trường nên hiện nay lực lượng cán bộ y tế có tay nghề tập trung ở các trung tâm và các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… một số bệnh viện tuyến dưới đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế nghiêm trọng. Việc cử cán bộ y tế luân phiên từ các bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới góp phần điều tiết và giảm bớt tình trạng chênh lệch trình độ tay nghề giữa các vùng, miền, để người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ y tế có chất lượng cao.

 

     Ông Vũ Mạnh Cường trình bày tham luận

 

Vấn đề cấp thiết là các cấp ủy Đảng bệnh viện cần làm tốt công tác vận động, tuyên truyền chủ trương của Bộ Y tế; cán bộ y tế tình nguyện về các bệnh viện tuyến tỉnh công tác, gắn với trách nhiệm của đảng viên, đoàn viên công đoàn, đoàn viên đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Tổ chức Đảng ra Nghị quyết lãnh đạo, các tổ chức đoàn thể ra Nghị quyết vận động đoàn viên, hội viên tham gia. Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động phong trào xung kích. Các bệnh viện xây dựng thành quy chế thực hiện. Nhất là khu vực biển, đảo.

Ông Cường cũng nhấn mạnh, mỗi cơ sở y tế, bệnh viện nên có một đội ngũ làm công tác truyền thông chuyên nghiệp để truyền tải đi các chính sách của bệnh viện. Đẩy mạnh truyền thông đa phương tiện về các mô hình chăm sóc sức khỏe như; chăm sóc sức khỏe gia đình, tư vấn qua điện thoại, hội chuẩn trực tuyến…

Các nhân viên truyền thông, phóng viên cũng cần nhận thức rõ rằng công tác y tế dự phòng nhất là ở khu vực biển, đảo không chỉ dừng lại ở các bệnh truyền nhiễm mà còn cả các bệnh không truyền nhiễm như; huyết áp, tim mạch, đái tháo đường… Sáng tạo cách tuyên truyền trực tiếp, gián tiếp chính là cách giúp người dân, các nhân viên y tế, bác sĩ, y sĩ nhanh hiểu nhất về tầm trọng của chăm sóc sức khỏe.

HÀ ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh