Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:23 - 02/10/2020
Với thông điệp trang bị cho sinh viên "kiến thức kỹ năng tài chính thông minh - smart money", cuộc thi đặc biệt nhấn mạnh các kiến thức về tài chính, ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt, các sản phẩm cho vay, hạn chế tín dụng đen, đầu tư, chi tiêu, tiết kiệm, hiểu biết về đồng tiền VND… Từ đó, trang bị cho sinh viên kiến thức tài chính giúp thay đổi nhận thức, hình thành những thói quen tốt về tài chính như thanh toán không dùng tiền mặt, chi tiêu hợp lý, tiết kiệm để đầu tư, tránh tín dụng đen; đồng thời giúp sinh viên có những hiểu biết đúng đắn về giá trị đồng tiền, quý trọng giá trị sức lao động, tự tin đưa ra các quyết định tài chính hợp lý.
Sau Lễ phát động, cuộc thi sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 10/10 đến 24/10. Giải thưởng cuộc thi gồm: 1 Giải nhất trị giá 20 triệu đồng; 1 Giải nhì trị giá 15 triệu đồng; 2 Giải ba 5 triệu đồng/giải, và một số giải phụ dành cho Đội được bình chọn nhiều nhất bởi khán giả, Đội cổ vũ được yêu thích nhất, mỗi giải trị giá 5 triệu đồng. Ngoài giải thưởng bằng tiền mặt, các đội dự thi được tham gia chương trình đào tạo kiến thức về tài chính ngân hàng, quản lý tài chính cá nhân với các chuyên gia và nhận chứng chỉ của BTC.
Ban giám khảo cuộc thi bao gồm: Các đơn vị chuyên môn của NHNN, Chuyên gia kinh tế, ngân hàng, Giảng viên về tài chính ngân hàng.
Theo PGS.TS Nguyễn Trúc Lê – Hiệu trưởng Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia), giáo dục tài chính hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính và nền kinh tế, là tiền đề để thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của quốc gia. Cuộc thi có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi triển khai cho đối tượng là sinh viên. Vì khi được tăng cường hiểu biết tài chính, sinh viên sẽ là lớp người tiêu dùng tài chính có khả năng so sánh và đánh giá chất lượng các loại hình sản phẩm tài chính khác nhau để lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất với tình hình tài chính bản thân.
Các tổ chức tài chính phải không ngừng cải tiến và sáng tạo các sản phẩm dịch vụ tài chính để đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng tài chính, khiến thị trường tài chính không ngừng cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy thị trường tài chính phát triển và hoàn thiện hơn.
Hơn nữa, nhờ giáo dục tài chính, các cá nhân/hộ gia đình tương lai sẽ có xu hướng tiết kiệm và quản lý ngân sách tốt hơn, giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm trong dân, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế.