THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:57

Nâng cao kỹ năng nghề cho sinh viên thông qua thực tập tại doanh nghiệp

Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Tiện

Hướng dẫn sinh viên thực hành nghề Tiện

TS. Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng trường Cao đẳng du lịch thương mại Hà Nội, cho biết du lịch là ngành đặc thù nên học sinh học một chuyên ngành có khi phải thực tập ở nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện nay, chính sách của hầu hết doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ là không chấp nhận trả chi phí cho sinh viên trong quá trình thực tập.Bên cạnh đó, doanh nghiệp chỉ cần người lao động khi họ hoạt động nhưng trong suốt năm qua ngành du lịch đóng cửa nên nhu cầu của doanh nghiệp không còn. Điều này khiến vấn đề thực tập của sinh viên ngành du lịch gặp không ít khó khăn. "Nhà trường đã phải xây dựng lại chương trình đào tạo, bảo đảm phương án linh hoạt, trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và được sự cho phép của các địa phương, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc đưa học sinh, sinh viên đi trải nghiệm, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp”, TS Hà cho biết.

Cũng đào tạo chủ yếu trong lĩnh vực du lịch, bà Đinh Bích Diệp, Hiệu trưởng Trường cao đẳng du lịch Vũng Tàu cho biết, đến thời điểm này trường đã đưa được sinh viên đi thực tập nhưng thực tế, để tìm được đối tác tốt mang lại hiệu quả cao giữa ba bên là học sinh, nhà trường, doanh nghiệp thì rất khó. Hiện chỉ có những khách sạn lớn từ 3 sao trở lên mới có thể đáp ứng được điều này.

Thực tế cho thấy, những gián đoạn do đại dịch Covid-19 khiến học sinh, sinh viên của các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. Không chỉ sinh viên tại ngành du lịch mà sinh viên nói chung đều phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị, hoạt động dịch vụ trực tiếp. Do vậy, việc sinh viên đến trường học tập và đến trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng.

Đặc biệt hiện nay, nhu cầu về nguồn lao động là rất cần thiết. Ông Vũ Xuân Hùng-Vụ trưởng vụ đào tạo chính quy (Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp) cho biết, thống kê của riêng TP. HCM, nhu cầu về lao động qua đào tạo đến quý IV là 87,14%, trong đó lao động đại học chỉ 20% còn lại là cao đẳng đại học, trung cấp và sơ cấp. Nhu cầu lao động không qua đào tạo chỉ chiếm 10%. Thực tế này cho thấy, nhu cầu về nguồn lao động qua đào tạo không hề nhỏ, nhất là trong năm nay các doanh nghiệp đang đẩy mạnh phục hồi sản xuất, hoàn thiện các kế hoạch mà năm cũ chưa làm xong.

TS. Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng trường Cao đẳng cơ điện và xây dựng Bắc Ninh cho biết, tuy ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp và địa phương mà đến nay, 90% học sinh của trường từ năm thứ 3 trở đi đã được các doanh nghiệp nhận. Điều này cho thấy sự khan hiếm của lao động nghề cũng như sự thích ứng linh hoạt của trường nghề trong thời kỳ dịch Covid-19 đang diễn ra.

Tuy nhiên, việc thực hành, đào tạo tại doanh nghiệp có khó khăn là khi sử dụng chuyên gia của doanh nghiệp sẽ thiếu yếu tố sư phạm nên chưa bảo đảm chuẩn nhà giáo thực hành dù họ rất giỏi về chuyên môn nên buộc trường phải đưa giáo viên kèm theo. Nên cần bổ sung thêm các điều kiện về năng lực của chuyên gia trong quá trình đào tạo để doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia cùng với nhà trường.

TS Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết sau Covid-19, các DN đều tăng tốc trở lại. Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, nhu cầu nhân lực đã qua đào tạo của DN cần tuyển dụng trong thời điểm sau Tết Nguyên đán chiếm 86,39%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 21,58%, cao đẳng chiếm 19,13%, trung cấp chiếm 25,08%, sơ cấp chiếm 20,6%. Như vậy, nhu cầu cấp thiết về việc đào tạo nguồn nhân lực để cung cấp cho thị trường đang đặt ra đối với các cơ sở GDNN.

Trong đó, vấn đề đưa SV đi thực hành tại DN là một nội dung quan trọng trong chương trình đào tạo của nhà trường. Hiện Tổng Cục đang trình Bộ LĐTBXH 2 Thông tư mới để khắc phục những hạn chế trước đây trong quá trình các trường đưa SV năm cuối đi thực hành, thực tập theo hình thức vừa học vừa làm sẽ có thể tổ chức thi tại DN. Đây là những nội dung còn đang vướng khi theo Thông tư 29 quy định, không được thi tốt nghiệp ở địa điểm ngoài trường. Theo quy định Thông tư 09 thì địa điểm tổ chức đào tạo chỉ tại trường hoặc phân hiệu tại trường, nghĩa là địa điểm liên kết đào tạo cũng không được tổ chức – điều này là một “điểm nghẽn” trong đào tạo dự kiến sẽ được khắc phục trong năm 2022 này.“Đối với vấn đề đào tạo từ xa kết hợp trực tiếp, các nhà trường có thể hoàn toàn chủ động”, TS Vũ Xuânn Hùng cho hay.

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN thông tin vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nằm trong Chiến lược phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó không chỉ đặt vấn đề làm sao nâng cao năng lực đào tạo của các nhà trường mà còn đề cập đến năng lực đào tạo của các DN cần nâng cao như thế nào. Theo đó, Chiến lược nhấn mạnh cần cung cấp nâng cao năng lực cho đội ngũ này để DN trở thành nơi đào tạo SV thực sự, không chỉ là nơi các em đến thực tập một thời gian ngắn rồi về trường.

“Nếu các trường cùng chủ động nâng cao năng lực cho DN, đối tác của chúng ta thì các em HS, SV sẽ có điều kiện tốt hơn để thực tập, thực hành”, TS Phạm Vũ Quốc Bình nhấn mạnh và cho biết, sau tọa đàm này sẽ soạn thảo hướng dẫn để gửi đến các Sở ngành, các trường.

Phương Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh