CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:41

Thanh Hóa: Nâng cao hiệu quả Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm

 

Vẫn còn nhiều rào cản…

Tỉnh Thanh Hóa hiện tại có khoảng hơn 963.000 hộ gia đình, hơn 3,6 triệu người, trong đó có 876.000 trẻ em dưới 16 tuổi; tỷ lệ lao động nữ chiếm 51,2 %; dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 85,3 %... với địa bàn rộng, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, nhiều thành phần dân tộc, phong tục tập quán sinh sống khác nhau trong đó chủ yếu là người Kinh, Mường, Thái, Mông, Dao…

Sự đa dạng về thành phần dân cư là lợi thế cho sự phát triển văn hóa, xã hội, kinh tế theo vùng miền song với cũng là những khó khăn cho sự phát triển đồng đều giữa các địa bàn trong tỉnh.

 

Lao động nữ làm việc tại Nhà máy may xuất khẩu S&H VINA tại xã Thành Tâm (huyện Thạch Thành)

 

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển kinh tế - xã hội nhưng đời sống người dân nhìn chung vẫn còn thấp. Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn 105.870 hộ nghèo, chiếm 10,99 %; có 96.110 hộ cận nghèo chiếm 9,97 %, thu nhập bình quân lao động thấp, tỷ lệ lao động thất nghiệp còn cao và một bộ phận người dân có việc làm thu nhập không ổn định.

Ngoài ra, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn cao, sự phân biệt về giới, tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại…là những rào cản ảnh hưởng không nhỏ đến việc giảm khoảng cách về giới trong trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm và tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động.

Số lượng, chất lượng được nâng lên

Với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hiện nay Thanh Hóa có tới 9.500 doanh nghiệp với hơn 243.000 lao động đang làm việc trong các loại hình doanh nghiệp (trong đó có 75 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tạo việc làm mới cho 30.800 lao động). Tỷ lệ lao động nữ chiếm hơn 60 % trong tổng số lao động trong các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là khối FDI. Thu nhập bình quân đạt 4,8 triệu/người/tháng. Từ đó chất lượng đời sống của lao động nữ không ngừng được tăng lên, được tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục. Lao động nữ đã được bảo vệ các quyền lợi của mình thông qua tổ chức đại diện là Công đoàn, với 3.654 công đoàn cơ sở, 230.018 đoàn viên thì nữ giới chiếm đến 70,6 %.

Trong giai đoạn 2005 - 2010, cơ cấu lao động đã được chuyển dịch theo hướng tích cực, đến năm 2008 đã giải quyết cho 118.137 lao động, trong đó lao động nữ đạt 48, 5 %, thấp hơn chỉ tiêu đặt ra 1,5 %. Tỷ lệ lao động nữ thất nghiệp ở khu vực thành thị là 4,3 %, cao hơn so với chỉ tiêu là 0,3 %. Tỷ lệ hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ là 54 %, cao hơn 4% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ phụ nữ làm chủ hộ có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn là 57,5 % phụ nữ trong tổng số được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội (cao hơn chỉ tiêu 5,7 %). Tỷ lệ lao động nữ được đào tạo là 29%, thấp hơn chỉ tiêu 9%, trong đó lao động nữ được đào tạo nghề chỉ đạt 16,5 %, thấp hơn chỉ tiêu 12,5 %.

 

Người lao động tham gia hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ


Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Thanh Hóa đã giải quyết việc làm cho trên 300.000 người, trong đó đảm bảo tỷ lệ ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ) đạt chỉ tiêu đề ra. Toàn tỉnh có trên 11.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Số nữ giới là Giám đốc/chủ doanh nghiệp chiếm khoảng 16%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra là 30%. Tuyển sinh đào tạo cho trên 320.000 người, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg là 34.200 người (nữ giới là 19.836 người chiếm 58%) đã góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 29,6% năm 2011 lên khoảng 40,5 % năm 2015 và đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 55%. Tỷ lệ phụ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số được vay vốn từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng khác đạt 85%, đạt chỉ tiêu đề ra.

Năm 2016, đã tạo việc làm cho gần 64.000 lao động, tăng 1,23% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 100% kế hoạch năm 2016. Trong đó tỷ lệ nam được đào tạo việc làm đạt 48,9%, tỷ lệ nữ đạt 51,1% vượt kế hoạch đề ra đảm bảo tỷ lệ ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ). Tổng số lao động được đào tạo trong năm là 69.400 người. Các cấp hội phụ nữ và trung tâm dạy nghề phụ nữ Thanh Hóa đã tổ chức 880 lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và 35 lớp sơ cấp nghề cho 96.850 phụ nữ, trong đó 100% phụ nữ làm chủ hộ được tham gia; phối hợp tổ chức dạy nghề cho 5.456 lao động nữ nông thôn.

Trong 6 tháng đầu năm 2017 đã có 30.800 lao động được tạo việc làm mới, trong đó nữ giới chiếm 49,1%. Bên cạnh đó, 100% phụ nữ nghèo có nhu cầu vay vốn được tiếp cận với các nguồn tín dụng ưu đãi.

Ở các vùng nông thôn nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phụ nữ đã được vay vốn từ các chương trình việc làm. Đến nay đã có 3.369 phụ  nữ làm chủ hộ được đăng ký giúp thoát nghèo. Các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Ngân hàng bò”, “Mái ấm tình thương”…đã được thực hiện và nhân rộng qua đó giúp nhiều hộ gia đình từng bước thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống…

Có thể nói, với việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động việc làm, sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động tại Thanh Hóa đã tạo cơ hội cho phụ nữ ngày càng có điều kiện để làm chủ cuộc sống, mạnh dạn, tự tin khẳng định mình cũng như tích cực trong công tác, hoạt động ở địa phương. Chính những hoạt động này sẽ là cơ sở, tiền đề tạo điều kiện cho phụ nữ tiến tới các mục tiêu bình đẳng giới.

MỘC MIÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh