Nạn tự tử vì áp lực học hành: Hồi chuông cảnh báo “khẩn” cho các bậc phụ huynh
- Giáo dục nghề nghiệp
- 23:01 - 13/04/2018
Sự áp đặt: Đẩy con trẻ không còn lối thoát
Những ngày cuối năm 2017, dư luận chưa hết bàng hoàng về trường hợp đau lòng xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, đó là một học sinh lớp 9 (tại một trường THCS ở quận 1) bị 3 điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi sát hạch đầu năm, môn học mà em giỏi và tự tin nhất. Sau đó em bị trầm cảm nặng và không muốn đi học. Mặc dù gia đình đã đưa đi khám tâm lý các nơi nhưng cuối cùng em đã nhảy từ chung cư xuống đất và tử vong. Theo nhận xét của nhà trường nơi em học, đó là một nam sinh giỏi, ngoan và có tham gia các hoạt động thể dục thể thao rất tích cực chứ không thụ động. Em có năng khiếu về tiếng Anh và có tên trong đội tuyển học sinh giỏi môn tiếng Anh của trường.
Sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh lên kết quả học tập của con cũng là một áp lực rất lớn.
Tiếp đến là câu chuyện thương tâm của nữ sinh học lớp 7 (trường THCS Tân Lâm, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) tử tự trong lớp học, để lại bức thư tuyệt mệnh bằng tiếng Anh và tiếng Việt là một hồi chuông báo động. Vốn là một cô bé ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành nhưng do chỉ một thời gian ngắn việc học sa sút, bị giáo viên nhắc nhở và trao đổi về với gia đình, bố mẹ khiển trách mà em đã bồng bột đi đến sự lựa chọn khiến nhiều người phải đau xót. Áp lực với việc học, vô tình đã đẩy em đến với một kết cục bi đát.
Nỗi đau chưa kịp lặng thì dư luận lại thêm sửng sốt khi hung tin một nam sinh T.T.C (quê Đắk Lắk) học lớp 10 Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến (quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) nhảy lầu tự tử tại trường vào ngày 10/4. Thông tin từ nhà trường cho biết, khi phát hiện nam sinh này có dấu hiệu khác thường muốn tự tử trên mái tôn lầu 4, giáo viên, học sinh của trường đã tìm cách can ngăn, thuyết phục nhưng không thành. Trước khi lao mình xuống đất, em có dấu hiệu bất ổn tâm lý vì vừa khóc vừa cười. Mặc dù được đưa đi cấp cứu ngay sau đó nhưng nam sinh đã không qua khỏi. Trước khi tự tử, C. có để lại thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực trong học tập, điểm số và áp lực từ gia đình muốn C. có điểm số tốt hơn để được học lớp đứng đầu khối 10. Được biết, kết quả thi học kỳ 1 vừa qua, điểm trung bình của C. đạt 8,9 điểm, trong đó một số môn có điểm số rất cao như Tin học 10, Vật lý 9,5, Lịch sử 9,6, Địa lý 9,1.
Cha mẹ: Hãy lắng nghe, làm bạn với con
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: “Bố mẹ bây giờ toàn sống thay con, như vậy là rất nguy hiểm. Bố mẹ kỳ vọng vào con ít thôi nhưng hãy kỳ công với con, lắng nghe, tìm hiểu và hỗ trợ con khi con cần. Để sự phát triển của con phù hợp với năng lực, sức khỏe, mong muốn của con. Mạng sống là quan trọng chứ điểm số học hành đâu có quan trọng. Khi rơi vào những tình huống áp lực trong học hành thì điều trước tiên mà các em cần chính là sự quan tâm từ chính gia đình, bố mẹ của các em. Quan tâm từ vấn đề sức khỏe cho đến tâm tư tình cảm cũng như mong muốn như thế nào. Nếu con học không giỏi thì đừng ra mục tiêu quá cao là phải vào trường điểm, trường chọn, hãy động viên con làm hết sức có thể, nếu đạt được thì tốt còn nếu không hãy cho con có những lựa chọn khác”.
Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục cho rằng, thầy cô cũng cần giảm đi những áp lực không cần thiết, tùy vào năng lực học sinh để có những yêu cầu khác nhau. Nhiều thầy cô luôn nghĩ tất cả học sinh phải làm hết việc này việc kia, phải hoàn thành hết tất cả các bài tập thế nhưng cái quan trọng trong vai trò của giáo dục là phải đến với từng học sinh. Học sinh giỏi thì khuyến khích các em, còn học sinh yếu hay học sinh bình thường thì cần có những giới hạn khác về bài tập.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Ths. Nguyễn Thị Bình phân tích: Áp lực học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ dễ bị rối loạn tâm lý. Hiện tại, khối lượng học các môn văn hóa ở trường mà các con phải học là rất lớn. Thời gian con đi học còn nhiều hơn bố mẹ đi làm. Mỗi ngày học 8 tiếng ở trường, học thêm ở nhà, học các môn năng khiếu, trẻ thiếu thời gian trống để chơi thế thao hay tham gia các hoạt động xã hội, điều này khiến trẻ dễ bị mụ mị, thiếu kỹ năng sống, kinh nghiệm sống. Đó là chưa kể đến sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh lên kết quả học tập của con cũng là một áp lực rất lớn. Nhất là ở độ tuổi này, các con còn hạn chế về khả năng cân bằng cuộc sống nên luôn nghĩ rằng hủy hoại bản thân là biện pháp cuối cùng để giải thoát.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Tâm lí học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cha mẹ, nhà trường đã chưa thực sự đồng hành, tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè; giúp các em đưa ra phương pháp học tập hiệu quả hay có cách thức, kỹ năng tự giải quyết những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, quan hệ với bạn bè của các em.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận cũng khuyến cáo, nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh cần giúp học sinh tự đưa ra những định hướng, tự đặt mục tiêu học tập cho mình dựa trên năng lực, sở thích, nguyện vọng của chính các em. Việc định hướng này giúp các em có động cơ học tập tích cực, chứ không phải là chỉ đối phó với các kỳ thi cử. Bên cạnh đó, giáo viên và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở thì các em mới có thể bày tỏ suy nghĩ, lo lắng của mình. Vì trong thực tế, rất nhiều em đã cho rằng không thể tìm được sự đồng cảm của cha mẹ, thầy cô nên các em đã tìm đến bạn bè để giãi bày. Thậm chí có em chẳng biết chia sẻ cùng ai và tự tìm đến những cách xử lý, giải tỏa sự bế tắc bằng hành động tiêu cực, hay tự hủy.