Sập bẫy buôn người: Nạn nhân thành thủ phạm
- Pháp luật
- 22:02 - 14/10/2015
Lương Thị Mằn và Vi Văn Bún (cùng ngụ H.Kỳ Sơn) bị tuyên phạt tổng cộng 29 năm tù về tội buôn bán người - Ảnh: K.Hoan
Năm 2014, Vi Thị Pim (39 tuổi, quê huyện Tương Dương, Nghệ An) đang lưu lạc tại Trung Quốc do bị lừa bán qua đây, gặp một phụ nữ tên May cùng quê. May mách nước cho Pim cách kiếm tiền khá dễ dàng là... đi buôn người. Mỗi thiếu nữ từ Việt Nam đưa sang Trung Quốc sẽ bán được 50.000 nhân dân tệ (khoảng 180 triệu đồng). Nghe bùi tai, Pim lập tức hợp tác với May. Nhờ có mối quen từ trước, Pim gọi điện về cho chị Lữ Thị H. (18 tuổi, ngụ huyện Quế Phong, Nghệ An) rủ chị H. sang Trung Quốc để Pim mối lái lấy một người chồng khá giả, tốt bụng và gia đình chị H. còn nhận được 70 - 80 triệu đồng nữa. Pim còn nói với chị H., nếu sang Trung Quốc thấy khó sống thì chịu khó sống 1 năm, rồi Pim sẽ tìm cách đưa về quê. Chị H. thấy xuôi tai nên đồng ý.
Trước khi sang làm dâu xứ người, chị H. nói với Pim còn có đứa em dâu tương lai của mình năm nay 17 tuổi, đang mang thai cũng muốn đi làm ăn kiếm tiền. Pim nhận lời và hứa chỉ cần làm “dâu hờ” 1 năm sẽ nhận được 70 triệu đồng sau đó Pim sẽ đưa về. Ngày 21/3/2015, Pim về quê để dẫn hai người này sang Trung Quốc bán làm vợ, khi đang trên đường ra Quảng Ninh thì Pim bị công an bắt giữ.
Vi Thị Viên (ngụ huyện Con Cuông, Nghệ An) là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc và bị bắt làm gái bán dâm. 6 năm sau, Viên trốn thoát khỏi nhà chứa về nước. Về nhà, Viên thiết lập một đường dây buôn bán phụ nữ sang Trung Quốc. Viên lừa 2 phụ nữ cùng bản, trong đó có một người là bà con với Viên rồi đưa đi Trung Quốc nói là làm việc với mức lương 9 - 10 triệu đồng mỗi tháng. Hai người sang Trung Quốc và bị Viên móc nối với đường dây bên đó bán vào nhà chứa. Sau 5 tháng bị đọa đày trong nhà thổ, hai phụ nữ này mới trốn thoát để về tố cáo Viên. Trước khi bị tố cáo, Viên đã lừa bán 5 phụ nữ khác sang Trung Quốc với giá 420 triệu đồng.
“Trong số các vụ án buôn bán người đã được phá, hầu hết thủ phạm từng là nạn nhân bị bán. Chính điều này khiến cho việc điều tra, ngăn chặn nạn buôn người trở nên rất khó khăn”, một cán bộ Công an Nghệ An cho biết.
Biết bị bán cũng đi
Năm 2013, một câu lạc bộ mang tên Lá chắn được Hội Phụ nữ H.Con Cuông (Nghệ An) lập ra ở xã Đôn Phục nhằm truyền đi thông điệp phụ nữ phải hiểu biết để không trở thành nạn nhân buôn bán người. Nhiều hình thức sinh hoạt khá hấp dẫn trong đó có cả sân khấu hóa tình trạng phụ nữ bị lừa bán để cảnh báo cũng thu hút nhiều người tham dự. Nhưng sau 2 năm hoạt động, bà La Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Con Cuông, thừa nhận: “Lá chắn” vẫn chưa thực hiện được chức năng ngăn chặn tình trạng phụ nữ bị buôn bán.
“Trước nhu cầu kiếm sống và khả năng nhận thức còn rất hạn chế của chị em miền núi thì câu lạc bộ này vẫn chưa có hiệu quả như chúng tôi kỳ vọng”, bà Hà nói. Trưởng bản Hồng Điện Vi Xuân Hoàng cũng nhận xét: “Tuyên truyền, cảnh báo xong, nhưng có ai rủ đi làm ăn mà lương cao là chị em đi, thậm chí biết mình sẽ bị bán cũng đi”.
Đại tá Nguyễn Đăng Việt, Phó trưởng công an huyện Con Cuông, cho biết lực lượng công an đã đấu tranh rất quyết liệt, phối hợp tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt như mong muốn. Người dân miền núi không có việc làm, các nhà máy công nghiệp cũng không lên tới đây nên buộc bà con phải rời bản đi tìm kế sinh nhai trong khi khả năng tự bảo vệ mình là rất hạn chế nên nhiều phụ nữ đã bị tội phạm buôn người lợi dụng biến họ thành món hàng kiếm tiền. Hầu hết người bị bán đều đang sinh sống ở Trung Quốc và họ không biết để tố cáo nên công an rất khó có cơ sở để điều tra, truy bắt tội phạm.
“Một số vụ chúng tôi bắt quả tang đang đưa người sang Trung Quốc nhưng sau đó không thể khởi tố được hành vi buôn bán người, mà chỉ xử lý hành vi đưa người vượt biên trái phép vì đối tượng không thừa nhận mình mang người đi bán”, đại tá Việt nói. Thậm chí, theo đại tá Việt, có một số thiếu nữ, công an nghi vấn đã bị bán sang Trung Quốc nhưng khi đến gia đình tìm hiểu thì bố mẹ cũng không biết con mình đi với ai và đang ở đâu nên không tố cáo.
Trung tá Lê Tiến Nam, Phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an Nghệ An, thừa nhận Nghệ An là địa phương nóng bỏng nhất cả nước về nạn buôn bán người. Tội phạm buôn người ngày càng hoạt động tinh vi hơn. Mặc dù thời gian qua, công an liên tục mở các đợt tấn công loại tội phạm này, phá nhiều đường dây buôn người nhưng nạn buôn người vẫn cứ âm thầm diễn ra. Giải pháp phòng ngừa là tiếp tục lập các chuyên án để đấu tranh và tuyên truyền để người dân cảnh giác, tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận sẽ vẫn khó ngăn chặn vì người dân miền núi không có việc làm, nhận thức thấp, cả tin nên vẫn rất dễ bị lợi dụng. Thậm chí nhiều trường hợp công an xác định nạn nhân đã bị lừa bán nhưng gia đình vẫn không tố cáo, nên rất khó cho việc điều tra, xử lý.
Sau khi dẫn con gái ông Vi Văn M. (xã Đôn Phục, huyện Con Cuông) sang Trung Quốc để “làm việc trong công ty”, một người cùng xã đã lấy chồng ở Trung Quốc gửi về cho ông M. 10 triệu đồng nói trả trước tiền công cho con gái ông. Mặc dù đã 3 năm nay, con gái không liên lạc về nhà và không rõ đang ở đâu, nhưng khi tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông M. khẳng định con gái ông không phải bị bán nên ông không tố cáo vụ việc với công an. Trưởng bản Hồng Điện, xã Đôn Phục cũng cho biết, trong bản có 4 trường hợp khác nghi đã bị bán sang Trung Quốc, nhưng khi công an đến gia đình hỏi tin tức con gái thì bố mẹ đều giấu và nói con mình đang đi làm ăn dù nhiều năm nay các thiếu nữ này không hề liên lạc về nhà. |