CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:09

Năm học đi qua, nhiều điều còn “nợ”…

Ngay từ đầu năm học, Chính phủ đã đặt mục tiêu năm học 2018-2019 tiếp tục là một năm thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Năm học 2017-2018, “quả bom” gian lận thi cử đã bùng nổ, buộc vấn đề phải đánh giá lại chất lượng giáo dục của toàn hệ thống phải được xem xét một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, các vấn đề giảm tải cho cả thầy và trò, vấn đề đổi mới phương thức dạy – học để có thể hội nhập với nền giáo dục của khu vực và thế giới, vấn đề bạo lực học đường… cũng đều là những vấn đề “nóng” cần phải sớm tìm ra giải pháp để giải quyết một cách căn cơ.

Năm học 2018-2019 đã khép lại với những cuộc chia tay đầy xúc động

Nhìn lại năm học vừa qua, không thể phủ nhận những cố gắng, nỗ lực của thầy và trò trong toàn hệ thống giáo dục, nhưng cũng phải thẳng thắn đánh giá rằng, môi trường học đường đã và đang phát sinh thêm không ít vấn nạn mới, trong khi những tồn tại vẫn chưa được khắc phục.

Vấn đề giảm tải chương trình đã được đặt ra từ khá lâu, không ít chuyên gia giáo dục đã nhìn nhận đây là một trong những vấn đề cấp bách cần sớm giải quyết. Thế nhưng thực tế là chương trình học của học sinh vẫn còn rất nặng, thậm chí còn năng hơn trước. Đáng lo ngại là tình trạng nhồi nhét kiến thức vẫn tiếp diễn, trong khi các phương pháp dạy học tiên tiến để phát huy khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh, cung cấp các kỹ năng cho học sinh vẫn còn khá nghèo nàn và thô sơ. Rất nhiều trường phải huy động giáo viên “chạy marathon” để dạy cho hết chương trình, còn học sinh có tiếp thu được hay không, tiếp thu được đến đâu, không được coi trọng.

Chương trình quá nặng không chỉ khiến học sinh mệt mỏi, mà còn ảnh hưởng tới cả khả năng tư duy, sáng tạo

Trong khi căn bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa có “thuốc”, scandal gian lận thi cử vẫn đang được tiếp tục xử lý bởi các cơ quan chức năng, “cơn sốt” bạo lực học đường chưa “hạ nhiệt”, thì trong năm học qua, tình trạng học sinh bị xâm hại ngay trong môi trường học đường tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động. Hàng loạt các vụ giáo viên quan hệ bất chính hoặc xâm hại tình dục học sinh – kể cả học sinh bậc tiểu học, đã xảy ra ở nhiều nơi, phần nào cho thấy chất lượng đạo đức của một bộ phận giáo viên đang “có vấn đề”. Với nhiều phụ huynh, môi trường học đường đã không còn thật sự an toàn đối với con em của họ!

Nhiều vụ xâm hại tình dục xảy ra trong môi trường học đường là điều vô cùng đáng quan ngại

Đó chính là những lý do khiến cho hiện tượng “tị nạn giáo dục” – những gia đình có điều kiện tìm cách cho con đi du học nước ngoài từ lứa tuổi phổ thông, vẫn diễn ra với mức độ ngày càng phổ biến hơn. D(ó cũng chính là một trong những lý do khiến cho mặt bằng chất lượng nguồn nhân lực chậm được cải thiện, tiếp tục tụt hậu so với mặt bằng chung của khu vực và thế giới.

Năm học đã khép lại, nhưng nhiều vấn đề của ngành Giáo dục vẫn chưa được giải quyết. Những “món nợ” lớn vẫn đang tiếp tục đặt ra không ít thách thức cho ngành Giáo dục, đòi hỏi phải gấp rút giải quyết trong thời gian tới, vì tương lai của thế hệ trẻ, của cả đất nước.

NGUYỄN HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh