Năm học 2020-2021: Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình
- Giáo dục nghề nghiệp
- 03:17 - 01/07/2020
Phòng chống dịch bệnh Covid-19, triển khai dạy học từ xa trên phạm vi cả nước
Trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học phòng, chống dịch bệnh Covid-19, lần đầu tiên dạy học từ xa qua internet, trên truyền hình được triển khai trên phạm vi cả nước. Ở bậc đại học có trên 50% trường đại học tổ chức dạy học từ xa. Ở bậc phổ thông tổng hợp qua hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa phòng chống dịch Covid-19 cho thấy, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh. Các sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình. Kết quả, 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+.
Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Tiếp đó là các địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất là khu vực miền núi và trung du phía Bắc, Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang dự thảo quy chế quản lý dạy học trực tuyến ở bậc phổ thông. Quy chế này sẽ tạo hành lang để hình thức dạy học trực tuyến được công nhận như một phương thức bổ trợ cho dạy học trực tiếp và được công nhận kết quả.
Chuẩn bị SGK giáo dục phổ thông
Triển khai lựa chọn sách giáo khoa theo yêu cầu tại Nghị quyết 88 của Quốc hội, tính đến ngày 30/5/2020, Bộ GD&ĐT đã nhận được công văn của 63 Sở GD&ĐT báo cáo kết quả lựa chọn SGK của các trường tiểu học. Kết quả cho thấy, tất cả các đầu SGK được phê duyệt cho phép sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông đều được lựa chọn; 61 địa phương chọn SGK ít nhất từ 3 bộ trở lên, trong đó 36 tỉnh chọn SGK của cả 5 bộ.
Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu, thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng SGK lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7/2020. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chậm, thiếu SGK năm học 2020-2021 trên địa bàn. Việc cung ứng sách giáo khoa phải đảm bảo sách đến tay phụ huynh, học sinh, giáo viên trước ngày 15/8/2020.
Cùng với đó Bộ GD&ĐT đã hoàn thành tập huấn, bồi dưỡng cho 800 giảng viên sư phạm chủ chốt, 28.000 giáo viên phổ thông cốt cán và 4.000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, 11.000 tổ trưởng chuyên môn, 1.028 cán bộ quản lý sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT.
Chuẩn bị thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tháng 4/2020, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất với phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020.
Theo đó, kỳ thi năm nay, giảng viên đại học sẽ không tham gia vào công tác coi thi, chấm thi như mọi năm nhưng sẽ được huy động để tham gia các đoàn thanh tra của Bộ, của Sở triển khai công tác kiểm tra, thanh tra tất cả các khâu của kỳ thi. Theo hướng dẫn công tác thanh tra kỳ thi đã được Bộ GD&ĐT ban hành, sẽ có hơn 6000 giảng viên đại học được huy động thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, năm nay sẽ có thêm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh tham gia giám sát kỳ thi.
Có thông tin lo ngại về tính trung thực, khách quan khi kỳ thi giao về cho địa phương tổ chức. Lo ngại này là có cơ sở. Để giải quyết vấn đề này, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ đặt ra yêu cầu rất cụ thể đối với cán bộ, giảng viên đại học được trưng tập làm công tác thanh tra, kiểm tra. Nếu trường nào cử cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn thì Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non và các văn bản hướng dẫn các cơ sở đào tạo triển khai công tác tuyển sinh năm 2020; xây dựng và hoàn thiện các phần mềm báo cáo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ các trường trong việc khai báo và công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng xác định chỉ tiêu tuyển sinh; khai báo và công khai chính xác, đúng quy định thông tin tuyển sinh.
Điều chỉnh khung thời gian kế hoạch năm học 2020-2021
Những năm gần đây, các địa phương thường tổ chức tựu trường đầu tháng 8, điều này làm ảnh hưởng tới thời gian nghỉ hè của học sinh và giáo viên. Năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, học sinh phải học chính khóa trong thời gian hè, thời gian nghỉ hè chỉ còn 1,5 tháng, vì vậy, Bộ GD&T yêu cầu các địa phương không được tựu trường trước ngày 1/9 để đảm bảo thời gian nghỉ hè cho học sinh và giáo viên. Trong thời gian trước khai giảng, Bộ GD&ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục tuân thủ nghiêm túc việc không dạy học trước chương trình. Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở giáo dục vi phạm quy định này. Các trường dành tuần đầu tiên của năm học mới để thực hiện các hoạt động đầu năm học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi thông tư cho phù hợp hơn. Riêng năm học 2020-2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kết thúc năm học muộn nên các trường tư thục có thể báo cáo với Sở GD&ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường, tuy nhiên, cần lưu ý dành thời gian cho học sinh được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học muộn.
Năm học 2020-2021, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục rà soát để tinh giản nội dung dạy học, giảm tải chương trình, vì vậy, thời gian thực học cho cấp THCS, THPT sẽ được điều chỉnh còn 35 tuần (so với 37 tuần hiện nay) như với cấp Tiểu học. qua đó tăng thời gian tổ chức các hoạt động trải nghiệm và tăng thời gian nghỉ hè cho giáo viên và học sinh.