THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 04:21

Năm học 2019 - 2020: Chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

 - Ảnh 1

Bộ GD&ĐT cho biết, năm học 2019 - 2020 sẽ là năm “nước rút” để chuẩn bị các điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

 

Nhiều địa phương có 100% học sinh học 2 buổi/ngày

Theo ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), năm học 2018 - 2019, các địa phương tiếp tục duy trì và phát triển mạng lưới trường, lớp tiểu học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ để tăng tỉ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày, hiện tỉ lệ này đạt 80,06% (năm học trước đạt 74,8%). Nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ 100% học sinh học 2 buổi/ngày. Trong điều kiện chỉ còn 1 năm nữa sẽ chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, những mục tiêu trong năm 2019 - 2020 của bậc tiểu học sẽ chủ yếu xoay quanh việc chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.

“Cụ thể, Giáo dục Tiểu học sẽ tập trung thực hiện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất các trường tiểu học đáp ứng điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chuẩn bị sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp tiểu học. Đồng thời sẽ chú trọng đổi mới công tác quản lí, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lí, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường. Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục, chú trọng kết hợp giữa dạy chữ và dạy người”, ông Tài cho hay.

Số giáo viên dự tuyển chỉ đáp ứng 50% nhu cầu

Liên quan đến việc thiếu giáo viên, khó khăn trong tuyển dụng giáo viên tiếng Anh được ngành Giáo dục TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương mong muốn có giải pháp khắc phục. Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù thành phố đã có chế độ thu nhập tăng thêm khá hấp dẫn cho giáo viên ngoại ngữ song việc tuyển dụng giáo viên vẫn rất khó khăn, số giáo viên dự tuyển chỉ đáp ứng 50% nhu cầu.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh, giáo viên tiếng Anh, giáo viên nhạc họa có khối lượng công việc nhiều, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng nên khó khăn trong tuyển dụng, nhiều giáo viên được tuyển dụng một thời gian cũng bỏ trường, bỏ lớp đi làm công việc khác. “Đây là khó khăn rất lớn cho các địa phương khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và ngoại ngữ trở thành môn bắt buộc”, đại diện Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Về chuẩn bị đội ngũ giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết, toàn tỉnh hiện có 80% giáo viên tiểu học có trình độ đại học trở lên. Về cơ bản số lượng, chất lượng giáo viên tiểu học của Đồng Tháp đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình mới bắt đầu từ lớp 1. “Tuy nhiên, chúng tôi đang rất trông chờ việc triển khai tập huấn đại trà để giáo viên được tiếp cận sớm, chuẩn bị chu đáo cho triển khai chương trình mới”, đại diện Sở GD&ĐT Đồng Tháp đề xuất.

Xung quanh vấn đề đội ngũ giáo viên tiểu học, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, điều đáng lo không phải là thừa - thiếu giáo viên mà là phẩm chất năng lực của thầy cô, đặc biệt là phẩm chất đạo đức, mối quan hệ với phụ huynh học sinh. Bộ GD&ĐT đã xây dựng và ban hành chuẩn giáo viên mới trong đó quan trọng chuẩn kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy. Tới đây, giáo viên sẽ phải tiếp tục được bồi dưỡng nâng chuẩn. “Trình độ đào tạo là quan trọng nhưng phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng giảng dạy của giáo viên còn quan trọng hơn”, Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh