THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:10

Nam Định: Hiệu quả cao từ công tác dạy nghề cho lao động nông thôn

Dạy nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn

Dạy nghề trồng nấm rơm cho lao động nông thôn

Hàng năm, Hội ND tỉnh Nam Định đã phối hợp tổ chức các hội nghị tuyên truyền công tác đào tạo nghề cho hàng nghìn người là chi hội trưởng chi hội ND; chỉ đạo Hội ND các cấp tiến hành khảo sát nhu cầu đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đăng ký số lớp, ngành nghề đào tạo. Học viên tham gia lớp dạy nghề được tiếp thu kiến thức từ lý thuyết đến thực hành theo chương trình đào tạo trình độ sơ cấp nghề và hướng dẫn thực hành của giảng viên tại cơ sở sản xuất, trang trại, các mô hình tiêu biểu ở địa bàn nông thôn. Sau thời gian đào tạo nghề, các học viên đã được các doanh nghiệp, công ty, cơ sở sản xuất lớn tuyển dụng vào làm việc với mức thu nhập ổn định từ 3,5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Một số học viên có năng lực quản lý sau khi học nghề mạnh dạn vay vốn đầu tư mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động khác. Trong 5 năm qua, Hội ND tỉnh đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn; phối hợp tổ chức 367 lớp cho 12.105 lượt người; tỷ lệ nông dân sau học nghề có việc làm đạt trên 85%. Tại các huyện, thành phố, các lớp dạy nghề đều được tổ chức theo nhu cầu của nông dân, phù hợp với đối tượng tham gia, đồng thời gắn với đặc thù kinh tế địa phương. Tiêu biểu như Hội ND huyện Hải Hậu, qua khảo sát nhu cầu học nghề thực tế của nông dân đã tổ chức các lớp dạy nghề dệt lưới, nuôi trồng thủy sản ở các xã ven biển; nghề dệt cói xuất khẩu, móc sợi, trồng nấm, nghề mộc... ở các xã vùng nội đồng; nghề may ở nhiều xã, thị trấn. Hội ND huyện Nghĩa Hưng phối hợp tổ chức được hàng chục lớp dạy nghề cho hàng trăm lao động, gồm các lớp dạy đan cói, may công nghiệp, nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh.  Hội ND huyện Vụ Bản từ năm 2015 đến nay đã phối hợp tổ chức 43 lớp dạy nghề cho 1.455 lao động nông thôn; sau học nghề 80% lao động có việc làm và thu nhập ổn định. Hội ND huyện Ý Yên phối hợp tổ chức được 34 lớp dạy nghề cho 1.190 lao động nông thôn, sau học nghề 70% lao động có việc làm, thu nhập ổn định. Huyện Trực Ninh khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề, các doanh nghiệp có nhiều hình thức linh hoạt trong đào tạo, giải quyết việc làm cho người lao động. Hàng năm, huyện mở 13 - 15 lớp dạy nghề cho 600 lao động; trong đó phần lớn là lao động học nghề may công nghiệp; còn lại là lao động học các nghề: Chăn nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, chăn nuôi gà, vịt, ngan, ngỗng. Hội ND huyện cùng với Huyện đoàn và các xã, thị trấn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện, Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và các trường trung cấp nghề trong tỉnh hàng năm tổ chức hàng trăm lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng nghìn hội viên và nhân dân địa phương. Các doanh nghiệp,  làng nghề trên địa bàn cũng tổ chức truyền nghề cho hàng nghìn lao động… Hàng năm Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội ND tỉnh) đã trực tiếp tổ chức hàng chục lớp dạy nghề, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề cho hàng trăm lao động học các nghề trồng cây cảnh, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản. Hội ND tỉnh còn tham gia thực hiện mô hình liên kết “3 nhà” (nhà nông, nhà trường, doanh nghiệp), góp phần từng bước xây dựng lực lượng lao động nông nghiệp, nông thôn chuyên nghiệp, lành nghề. Ngoài ra, để phát huy hiệu quả công tác dạy nghề, các cấp hội ND trong tỉnh còn tạo điều kiện cho hội viên nông dân sau khi học nghề được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng với việc phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội ND các cấp đã ký kết chương trình phối hợp và tín chấp cho nông dân vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Đến nay,  Hội ND các cấp trong tỉnh đã đứng ra nhận tín chấp từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tổng dư nợ 9.752 tỷ đồng cho 46.991 hộ vay; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội nhận ủy thác với tổng dư nợ 1.201 tỷ đồng cho 39.826 hộ vay. Quỹ Hỗ trợ nông dân với tổng nguồn vốn đạt 25,7 tỷ đồng, đã đầu tư xây dựng 249 mô hình phát triển kinh tế từ nguồn vốn vay của Quỹ thông qua các tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp. Nhiều dự án đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); nuôi trồng thủy sản tại xã Giao Hải (Giao Thủy); dệt lưới cước tại xã Hải Lộc (Hải Hậu)… 

Với việc quan tâm đến công tác dạy nghề, các cấp hội ND trong tỉnh đã giúp nhiều hội viên vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi, làm giàu chính đáng. Nhiều hộ nông dân nghèo thay đổi tư duy kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, toàn tỉnh có 81.706 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, bằng 21,6% so với hộ nông dân. Kết quả này đã góp phần thực hiện mục tiêu chung của tỉnh về giảm tỷ lệ hộ nghèo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

                                                 

TT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh