CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:54

Nam Định: Đa dạng hóa hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp

 

Thực hiện giải quyết hồ sơ BHTN theo mô hình một cửa

Tính đến tháng 12/2018 tỉnh Nam Định có 4.274 doanh nghiệp với 161.643 người lao động được phân bổ trên toàn tỉnh. Nguồn nhân lực của tỉnh tuy dồi dào nhưng lao động kỹ thuật, lao động có tay nghề không có nhiều. Cơ cấu lao động chuyển đổi chậm, thị trường lao động mới hình thành chưa thực sự sôi động.

Từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp ra đời, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Nam Định luôn bám sát các văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện, hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề, tiếp nhận và giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động luôn được đảm bảo.

Trung tâm đã cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn theo kế hoạch của Cục Việc làm, tổ chức hội thảo nội bộ và với các ban ngành liên quan như: BHXH, Công đoàn, các doanh nghiệp, qua đó nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ nhân viên. Trung tâm xây dựng quy trình tiếp nhận, lắp đặt các trang thiết bị, chuẩn bị các biểu mẫu... để phục vụ cho công tác tiếp đón lao động, tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền để toàn thể người lao động và người sử dụng lao động nắm bắt được những thay đổi về chính sách bảo hiểm thất nghiệp kịp thời nhất.

Năm 2015 Trung tâm Dịch vụ việc làm đã thực hiện giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp theo mô hình một cửa. Bố trí cán bộ để đón tiếp và cung cấp mọi dịch vụ cho người lao động có nhu cầu .

Năm 2017 Trung tâm thực hiện tách phòng Khai thác thông tin thị trường thành hai phòng: Phòng khai thác thông tin thị trường và phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm. Việc này đã giúp cho các phòng chuyên môn hoạt động chuyên nghiệp hơn, nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, học nghề cho người lao động mất việc được đẩy mạnh, số lượng người được giới thiệu việc  làm và học nghề được tăng lên rõ rệt.

 

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp

 

Nâng cao hiệu quả công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp

Xác định công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt cả quá trình giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm luôn chú trọng nâng cao hiệu quả công tác này, giúp người lao động nhanh chóng tìm được việc làm, thu nhập ổn định, tái hòa nhập thị trường lao động. Đây được coi là giải pháp tích cực, lâu dài nhằm tháo gỡ khó khăn giúp người lao động ổn định cuộc sống.

Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động thất nghiệp được thực hiện bằng nhiều hình thức: tư vấn trực tiếp thông qua các bàn tư vấn, tư vấn tập thể tại các doanh nghiệp có số đông người lao động nghỉ việc, tại các phiên giao dịch việc làm hằng tháng, tại các phiên Sàn lưu động. Do mở rộng  đối tượng và phạm vi tư vấn nên trong những năm gần đây số người được Trung tâm dịch vụ việc làm tư vấn tăng lên đáng kể, đặc biệt là số người được tư vấn không nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp quay lại thị trường lao động.

Công tác giới thiệu việc làm cho người lao động được đẩy mạnh đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, tuy nhiên tại Nam Định lao động nghỉ việc chủ yếu là lao động trong các ngành nghề dệt may, lao động phổ thông… nên họ dễ dàng tự tìm được việc làm do đó tỷ lệ lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn học nghề cho người tham gia BHTN cũng được Trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh chú trọng đẩy mạnh bằng nhiều hình thức tư vấn đa dạng, phong phú mục đích giúp người lao động được trang bị kiến thức nghề nghiệp phù hợp, nhanh chóng tìm được việc làm mới hòa nhập thị trường lao động. Số người được hỗ trợ học nghề đã tăng lên đáng kể, các ngành nghề chủ yếu được người lao động đăng ký học là Lái xe, may công nghiệp, tin học văn phòng….

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung tâm dịch vụ việc làm Nam Định, mặc dù luôn được quan tâm chú trọng nhưng nhu cầu học nghề của người  lao động không cao, chiếm 2,3% số người nộp hồ sơ  hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn người lao động thường ngại tham gia các lớp học nghề, đặc biệt là những nghề có chi phí cao hơn mức hỗ trợ được quy định, hoặc thời gian học nghề dài do tâm lý muốn tìm việc làm ngay để đảm bảo cuộc sống trước mắt. Mặt khác do thiếu hụt lực lượng lao động nên các doanh nghiệp tuyển dụng ồ ạt và tự đào tạo nghề tại chỗ, người lao động học việc nhưng vẫn được hưởng lương vì vậy nhiều người vẫn chưa  mặn mà với việc học nghề...

DIỆU NGỌC

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh