Năm 2050, chất thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn... cá!
- Dược liệu
- 23:59 - 09/06/2017
Tại tuần lễ "Biển và Hải đảo Việt Nam" năm 2017 tổ chức tại tỉnh Cà Mau ngày 8/6, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà nhấn mạnh, biển và đại dương chiếm 2/3 diện tích của trái đất, là nguồn sống vô cùng quan trọng của con người.
Đại dương tạo ra hơn 50% lượng ô-xy chúng ta hít thở hàng ngày và cung cấp nguồn thực phẩm, thuốc chữa bệnh phục vụ cuộc sống. Đại dương còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều hòa khí hậu, cũng như góp phần phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ các quốc gia có biển.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hà cho rằng, biển và đại dương đang bị đe dọa nghiêm trọng, chủ yếu do hoạt động của con người.
Bộ trưởng TN&MT cho biết, trong Hội nghị Đại dương Liên hợp quốc năm 2017 được tổ chức mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres có đưa ra con số 30% cá nước mặn đang bị khai thác tận diệt, 20% số rạn san hô đã biến mất, một triệu chim biển và hàng trăm nghìn động vật biển đã chết vì do rác thải và ô nhiễm môi trường.
Theo một số kết quả nghiên cứu cho thấy, tới năm 2050, lượng chất thải nhựa trên biển sẽ vượt cả số lượng cá. Biến đổi khí hậu và đại dương ấm lên khiến nước biển nhiễm axít hoá, tẩy trắng san hô, làm suy giảm đa dạng sinh học;…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định, biển và hải đảo có tầm quan trọng vô cùng đặc biệt đối với nước ta, là động lực phát triển kinh tế, làm giàu từ biển, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh cũng như bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới.
Bộ trưởng Hà cho biết, trong 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, chúng ta đã đạt được những thành tựu cơ bản, quan trọng về các mặt. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức mà đòi hỏi cần sự nỗ lực “đồng lòng, góp sức, chung tay” hơn nữa để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, đồng thời khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Trước những thách thức, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị các cấp chính quyền, tổ chức, cá nhân, tích cực tham gia các phong trào bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đẩy mạnh các hoạt động làm sạch các bãi biển quê hương, không xả rác, đặc biệt là rác thải ni lông ở các bãi biển.
Tiếp tục xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển và hải đảo một cách phù hợp với điều kiện của nước ta và tình hình quốc tế về biển nhằm khai thác và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên biển, góp phần làm giàu từ biển.
Đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển, đại dương, tạo cơ sở khoa học để phát huy tiềm năng của đại dương, biển và hải đảo Việt Nam. Đề xuất được những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, a-xít hóa đại dương, bảo tồn các vùng biển và nguồn tài nguyên biển, các hệ sinh thái ven biển, phát triển nghề cá bền vững, phòng chống thiên tai, xâm thực bờ biển.
Tăng cường hợp tác quốc tế, gia tăng đan xen lợi ích về biển, đảo giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế, nhằm tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề an ninh, chủ quyền trên biển.