Năm 2022 tạo bước chuyển mạnh trong công tác tổ chức, bộ máy, cán bộ toàn hệ thống phục vụ thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp
- Giáo dục nghề nghiệp
- 16:31 - 08/02/2022
Một là, về tổ chức, bộ máy của Tổng cục và hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
Tập thể lãnh đạo Tổng cục cùng Ban Thường vụ Đảng ủy đã xác định để phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, hội nhập; khắc phục một số hạn chế, bất cập về quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề; yêu cầu xây dựng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chất lượng cao theo các chủ trương của Đảng, Chính phủ về đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp, thì cần phải duy trì phát triển mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đủ mạnh, hiệu quả.
Việc đề xuất duy trì phát triển mô hình Tổng cục, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển nhân lực cả về quy mô và chất lượng phục vụ phát triển kinh tế đất nước đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Từ kinh nghiệm thành công của nhiều quốc gia phát triển trên thế giới cho thấy lao động có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề là nhân tố then chốt quyết định sự thịnh vượng của quốc gia. Từ nghiên cứu khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, diễn đàn quốc tế (Ngân hàng thế giới, ILO, Diễn đàn kinh tế thế giới...) đã khuyến cáo Việt Nam cần tập trung đặc biệt vào phát triển kỹ năng cho người lao động; phát triển giáo dục nghề nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập quốc tế nhằm đạt được mục tiêu thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Để tham mưu việc duy trì phát triển mô hình Tổng cục, Tổng cục đã thường xuyên báo cáo đề xuất Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng Bộ về tầm quan trọng và căn cứ pháp lý, nhất là việc đề xuất nội dung giáo dục nghề nghiệp trong việc sửa Nghị định 14 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp bảo vệ mô hình Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, đồng bộ, tinh gọn để tham mưu, thực hiện việc đổi mới giáo dục nghề nghiệp.
Duy trì mô hình Tổng cục để đảm bảo bộ máy bên trong đủ mạnh, có năng lực giúp cho Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý nhà nước hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tinh gọn, hiệu quả; khắc phục tình trạng mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải; chồng chéo về ngành, nghề đào tạo trên cùng một địa bàn; tập trung đầu tư để hình thành mạng lưới các trường chất lượng cao; đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu nhân lực của ngành, lĩnh vực; cơ cấu kinh tế - xã hội từng vùng, miền; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư.
Tổng cục đã chủ động rà soát chức năng, nhiệm vụ của các Vụ, đơn vị trực thuộc; triển khai việc rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập thuộc Bộ, ngành, địa phương; bước đầu xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trong quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chuyên môn của các Bộ tham mưu báo cáo Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận đối với các trường cao đẳng thuộc một số Bộ về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý.
Đã xác định hệ thống các trường cao đẳng chất lượng cao, có phân tầng chất lượng theo 3 cấp tại Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 là: Trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao; Trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao và trường cao đẳng chất lượng cao tiếp cận trình độ các nước phát triển.
Hai là, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp:
Đứng trước yêu cầu cần có tư duy đổi mới giáo dục nghề nghiệp; yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước; Tổng cục cũng xác định muốn thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp thì phải kịp thời nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức của Tổng cục và đội ngũ cán bộ quản lý của hệ thống. Hoạt động này đã được chọn là một trong năm hoạt động nổi bật của năm 2021, cụ thể: Ngay từ cuối năm 2020, Tổng cục đã xây dựng kế hoạch đào tạo và chuẩn bị đội ngũ giảng viên trong nước và quốc tế. Đầu năm 2021, Tổng cục tổ chức bồi dưỡng chuyên đề cho toàn thể lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo cấp Vụ và cán bộ quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ với sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp nắm bắt những xu hướng mới về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới, chiến lược phát triển cho giáo dục nghề nghiệp Việt Nam; tư duy và cách tiếp cận mới của quốc tế về giáo dục nghề nghiệp. Giáo dục nghề nghiệp thích ứng với cách mạng công nghiệp lần thứ tư và bối cảnh dịch bệnh.
Cũng trong năm 2021, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Tổng cục có bước chuyển biến mạnh mẽ, linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh, trong đó phối hợp với nhiều tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển (Tổ chức GIZ, Tổ chức ILO, Đại sứ quán Úc, Unesco, ....) tổ chức khóa học trực tuyến lớp học ảo, chuỗi Hội thảo về chia sẻ các phương pháp đào tạo trực tuyến/kết hợp trong Giáo dục nghề nghiệp, nâng cao năng lực về giáo dục nghề nghiệp.... cho đội ngũ cán bộ của Tổng cục và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng và ban hành chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và nghiệp vụ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phối hợp với Tổ chức ILO xuất bản sách về Quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2021 đã đi vào lịch sử, chỉ trong một năm Thủ tướng Chính phủ đã có bốn quyết định, đề án quan trọng thể chế cho giáo dục nghề nghiệp, trong đó có Chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp, tạo cơ sở cho triển khai đổi mới, phát triển giáo dục nghề nghiệp cho cả giai đoạn. Để thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong năm 2022 Tổng cục xác định nhiệm vụ trọng tâm về công tác tổ chức, bộ máy, sắp xếp mạng cơ sở giáo dục nghề nghiệp và công tác cán bộ, cụ thể:
Tiếp tục đề xuất duy trì và phát triển mô hình Tổng cục; kiện toàn, cơ cấu tổ chức bên trong của Tổng cục; sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hình thành mạng lưới các trường cao đẳng chất lượng cao:
Rà soát, xây dựng Đề án chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn cơ cấu tổ chức của Tổng cục bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, chuẩn hóa, kiểm soát chất lượng, kết nối, liên thông, thống nhất; đảm bảo đổi mới và có khả năng giúp cho Bộ trưởng quản lý các trường chất lượng cao; trung tâm thực hành vùng và Trung tâm quốc gia đào tạo, thực hành tại 3 miền, trên cơ sở đó để trình Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ban hành các Quyết định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Tổng cục.
Hoàn thiện Đề án để trình thành lập Trung tâm Quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao tại 03 miền Bắc, Trung, Nam; Trung tâm thực hành Vùng trình Ban cán sự đảng, Bộ trưởng xem xét, phê duyệt.
Phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện khảo sát, đánh giá và xây dựng Đề án tiếp nhận cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc một số Bộ, ngành về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý; đồng thời triển khai sắp xếp, tổ chức lại, tập trung đầu tư để hình thành hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quản lý.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp cơ sở giáo dục nghề nghiệp của các Bộ, ngành, địa phương theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm đầu mối và số lượng nhưng không giảm năng lực đào tạo, bảo đảm phù hợp với Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy định về sáp nhập, giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Nâng cao năng lực, tạo bước chuyển biến tích cực về chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp các cấp để thực hiện giải pháp đột phá của Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp:
Khuyến khích, tạo điều kiện để đội ngũ công chức, viên chức của Tổng cục; cán bộ quản lý các cơ sở GDNN chủ động tự học tập chuyên môn, ngoại ngữ, tin học và tích cực tham gia các lớp đào tạo, hội thảo chuyên môn quốc tế theo hình thức trực tuyến. Chuẩn hóa cán bộ quản lý cơ sở GDNN theo hướng chú trọng kỹ năng quản lý - quản trị hiện đại, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, trình độ ngoại ngữ, hội nhập quốc tế. Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp các cấp, đặc biệt ở cấp tỉnh. Nghiên cứu hỗ trợ phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo tại doanh nghiệp. Đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số trong hoạt động quản lý nhà nước; chuyển đổi số trong quản trị của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tổ chức các buổi Hội nghị, hội thảo chuyên sâu nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng để vận hành, quản lý một trường chất lượng cao.
Về công tác cán bộ của Tổng cục giáo dục nghề nghiệp:
Trước yêu cầu đổi mới của giáo dục nghề nghiệp, khối lượng công việc càng nhiều, đòi hỏi chất lượng yêu cầu càng cao, Tổng cục kịp thời trình Ban cán sự đảng, Bộ trưởng kiện toàn vị trí lãnh đạo các Vụ, đơn vị sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đảm bảo về cơ cấu, số lượng, chất lượng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao. Tuyển dụng, tiếp nhận công chức chuyên môn nghiệp vụ cho các Vụ, đơn vị còn thiếu theo hướng dẫn, phân cấp của Bộ.
Phát huy thành tựu đã đạt được trong năm 2021 và truyền thống đoàn kết, đồng lòng, năng động, sáng tạo. Năm 2022, tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức của Tổng cục cùng toàn hệ thống quyết tâm thực hiện thắng lợi các nội dung nêu trên tạo ra điểm đột phá cho phát triển giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục tin tưởng tiếp tục đón nhận sự quan tâm chỉ đạo toàn diện của Bộ trưởng và Tập thể Ban cán sự Đảng của Bộ để duy trì phát triển Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đủ mạnh với cơ cấu bên trong hoàn chỉnh nhằm thực thi nhiệm vụ quản lý hệ thống theo mô hình mới; đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền cho Tổng cục để phù hợp mô hình tổ chức bộ máy, vị thế và tiêu chí của Tổng cục theo Nghị định 101/2020/NĐ-CP. Sớm tổ chức thi tuyển công chức; tổ chức kiểm tra, sát hạch viên chức để đảm bảo số công chức làm việc tại Tổng cục. Quan tâm, bổ sung biên chế cho Tổng cục trong tổng số biên chế của Bộ, đồng thời đề xuất Bộ Nội vụ xem xét điều chuyển biên chế của các Bộ, ngành về Tổng cục cùng với việc điều chuyển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của Bộ, ngành về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng và có cơ chế thuận lợi để công chức, viên chức của Tổng cục được học tập, bồi dưỡng theo quy định./.