CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:19

Năm 2022: Đại học giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

Theo công bố của các trường ĐH, trong mùa tuyển sinh năm 2022 nhiều trường sẽ giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Theo công bố của các trường ĐH, trong mùa tuyển sinh năm 2022 nhiều trường sẽ giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi Tốt nghiệp THPT.

Giảm mạnh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT

Nếu các năm trước đây, xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông chiếm tỷ lệ chỉ tiêu lớn nhất trong phương thức xét tuyển của nhiều trường, đặc biệt là các trường tốp đầu, thì năm 2022, tỷ lệ này đã giảm mạnh.

Năm 2020, ĐH Giao thông Vận tải dành khoảng 70-80% cho phương cho hình thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông thì năm 2022, theo công bố của trường, tỷ lệ sẽ chỉ còn khoảng 40-50%, giảm 30%.

Tại ĐH Kinh tế quốc dân, con số này thậm chí rút lại rất khiêm tốn, chỉ còn từ 10 đến 15% so với trên 50% như năm 2021. Phần chỉ tiêu còn lại sẽ được xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường.

Tương tự, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho biết chỉ dành 10-20% cho phương thức xét tuyển truyền thống này. Trường dành khoảng 20-30% số chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển tài năng, 60-70% chỉ tiêu xét tuyển đưa vào kết quả thi đánh giá tư duy.

Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay tuyển sinh theo 6 phương thức và đa dạng hình thức xét tuyển vào 45 ngành, chương trình đào tạo ĐH chính quy. Trong đó phương thức 3 - xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 trường dành 30 - 60% tổng chỉ tiêu, kèm theo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tổ hợp các môn xét tuyển phải đạt từ 18 điểm trở lên.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng dành chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi, gồm: kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Với xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, trường còn đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 22 điểm (cho tất cả các ngành và tổ hợp xét tuyển).

Lý giải về sự thay đổi này, lãnh đạo các trường cho hay do tính chất của kỳ thi Tốt nghiệp trung học phổ thông đã thay đổi, chỉ dành mục đích xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh. Theo đó, đề thi dễ hơn, tính phân loại thấp hơn, gây khó khăn cho các trường trong việc tuyển chọn thí sinh, nhất là ở các ngành, trường tốp trên.

 

Vì thế, để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào phù hợp với yêu cầu đào tạo, các trường buộc phải chuyển dịch trong tuyển sinh với đa dạng các phương án. Điều này đồng thời cũng thể hiện sự tự chủ của các trường theo Luật Giáo dục ĐH.

Nhiều “cánh cửa” khác để chào đón thí sinh

Cùng với việc thu hẹp “cánh cửa” xét tuyển bằng điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, các trường ĐH đã mở rộng nhiều “cánh cửa” khác để chào đón thí sinh.

Theo đó, để đỗ vào ĐH Kinh tế quốc dân năm 2022, thí sinh không chỉ xét tuyển theo điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông mà còn có thể nộp hồ sơ bằng các chứng chỉ quốc tế SAT, ACT, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế… Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2022, lần đầu tiên trường ĐH hàng đầu về khối ngành kinh tế này sẽ triển khai phương thức xét tuyển mới: Dựa trên điểm kỳ thi đánh giá tư duy của ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, một thí sinh có thể dự tuyển vào trường bằng rất nhiều cách khác nhau.

Tương tự, năm 2022, các trường ĐH Thuỷ lợi, ĐH Xây dựng, ĐH Mỏ-Địa chất, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Công nghệ giao thông vận tải cũng dự kiến có thêm hình thức xét tuyển dựa trên điểm bài thi tư duy của ĐH Bách khoa Hà Nội. 

Trong khi năm 2021, kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội chủ yếu dùng trong nội bộ các trường thành viên thì thời điểm này, theo thông tin từ ĐH Quốc gia Hà Nội, đã có gần 50 trường đăng ký sử dụng điểm kỳ thi này để xét tuyển trong năm tới.

Ở khu vực phía Nam, theo tiến sỹ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng của ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, số trường đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH này là trên 80 trường.

Phối hợp đa dạng phương thức tuyển sinh, trong mùa tuyển sinh năm 2022, có thể thấy các ĐH đã có sự “bắt tay” chặt chẽ hơn trong việc sử dụng kết quả dùng chung trong các kỳ thi riêng.

Theo ông Chính, việc các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển dựa trên điểm thi Tốt nghiệp trung học phổ thông và tăng cường sử dụng chung kết quả thi tuyển sinh là xu hướng tất yếu, phù hợp với quốc tế. Điều này vừa giúp các trường tiết kiệm được chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào đồng thời giúp học sinh không phải tham dự quá nhiều kỳ thi như giai đoạn trước năm 2002, khi mỗi trường ĐH đều tự tổ chức thi riêng.

Theo Bộ GD&ĐT, năm 2022 các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; thực hiện công tác tuyển sinh theo đề án tuyển sinh của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức tuyển sinh.

Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường ĐH, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Dựa trên cơ sở này, các trường ĐH lớn đã cắt giảm mạnh chỉ tiêu dành cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

THANH HÒA

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh