THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:15

Năm 2021: Xây dựng thị trường lao động đồng bộ, hiện đại

Năm 2020: Giải quyết việc làm khoảng 1,34 triệu người

Theo báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu về việc làm năm 2020 của Cục Việc làm, năm 2020 cả nước giải quyết việc làm khoảng 1,34 triệu người, đạt 83,3% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019, trong đó tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 ước tính là 64,5%, tăng 3,3% so với năm 2019; trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ là 24,5%, tăng 1,4% so với năm 2019.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi khu vực thành thị năm 2020 tiếp tục duy trì mức <4% (đạt kế hoạch đề ra).

Về lĩnh vực việc làm, tính hết năm 2020, sau khi thực hiện các quy định mới theo Nghị định số 74/2019/NĐ-CP đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 214.900 người lao động, trong đó, Quỹ Quốc gia về việc làm đã hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 51.862 lao động,

Về thị trường lao động, năm 2020, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, thị trường lao động có nhiều biến động, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng. Trước tình hình trên, Cục đã tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động; tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo xu hướng và nhu cầu thị trường lao động; điều tra nhu cầu lao động trong các loại hình doanh nghiệp, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm thu thập thông tin về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung cấp nguồn lao động đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp. Bước sang quý IV/2020, thị trường lao động Việt Nam bắt đầu phục hồi, nhiều lĩnh vực cho thấy tín hiệu tốt, các ngành nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, bị ngừng việc đã trở lại thị trường.

Về bảo hiểm thất nghiệp, theo BHXH Việt Nam, ước đến hết năm 2020 có trên 15,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 13,3 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm trên 27% lực lượng lao động trong độ tuổi. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/12/2020, tổng số người nộp hồ sơ trên cả nước là 1.123.477 người, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019; 1.088.193 người có quyết định hưởng BHTN, tăng 30,16% so với cùng kỳ năm 2019; số người được hỗ trợ học nghề là 26.415 người, giảm 37,5% so với cùng kỳ năm 2019 và số lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 2.209.048 lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Năm 2021: Xây dựng thị trường lao động đồng bộ, hiện đại - Ảnh 1.

Thứ trưởng Lê Văn Thanh đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực việc làm năm 2020

Năm 2021, Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình cho biết, Cục sẽ tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động và người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống; Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động; Tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động;

Đặc biệt là sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt, đánh giá tác động của dịch cúm Covid-19 đến người lao động, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại các địa phương và cập nhật tình hình, nhu cầu lao động nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 để tiếp tục đề xuất, tham mưu cho Bộ, Chính phủ các chính sách phù hợp.

Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các nhiệm vụ. Hướng dẫn, chỉ đạo hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung - cầu cung cầu lao động và giải quyết bảo hiểm thất nghiệp, nhất là đối với các địa phương bị tác động bởi dịch Covid-19.

Năm 2021: Tập trung nghiên cứu Luật Việc làm và triển khai các Đề án

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho rằng, năm 2020 là năm rất đặc biệt khi đại dịch Covid-19 hoành hành, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội, đặc biệt là lĩnh vực việc làm. Lao động mất việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp lớn. Khó khăn nhiều nhưng Cục Việc làm đã nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra trong đó có những công việc đã được làm rất tốt như công tác xây dựng thể chế, tham mưu cho Bộ ban hành các chính sách hỗ trợ người dân bị mất việc làm… "Thay mặt lãnh đạo Bộ, tôi nhiệt liệt chúc mừng những kết quả mà Cục Viêc làm trong năm vừa qua", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Năm 2021: Xây dựng thị trường lao động đồng bộ, hiện đại - Ảnh 2.

Năm 2020, mặc dù ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng các phiên giao dịch việc làm online vẫn liên tục được tổ chức, mang lại cơ hội việc làm cho người lao động

Năm 2021, tình hình Covid vẫn còn diễn biến rất phức tạp, lĩnh vực lao động việc làm còn cần phải rất nhiều cố gắng, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, Cục Việc làm phải đoàn kết hơn nữa, phát huy dân chủ, công khai minh bạch, kỷ cương, kỷ luật trong triển khai các nhiệm vụ được giao; Chú trọng và phát triển thị trường lao động, đảm bảo xây dựng được thị trường lao động ổn định, đồng bộ, linh hoạt và hiện đại; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Cục. Kết nối cơ sở dữ liệu về lực lượng lao động, bảo hiểm thất nghiệp…với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Về triển khai chính sách BHTN, Thứ trưởng đề nghị Cục Việc làm cần tiếp tục triển khai tốt công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp, đồng thời phòng ngừa thất nghiệp và giúp người lao động quay trở lại thị trường lao động. Bên cạnh đó, công tác truyền thông về việc làm cũng cần đổi mới giúp chính sách đến được với cuộc sống …

"Về công việc cụ thể, thời gian tới, Cục Việc làm cần tập trung, đánh giá nghiên cứu Luật Việc làm, khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai một loạt các Đề án vừa được trình trong năm 2020, xây dựng hệ thống thông tin thị trường lao động; Nâng cao chất lượng hiệu quả của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước, kết nối các trung tâm này với Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm; Quan tâm đến chất lượng việc làm của lao động nông thôn và lao động khu vực phi chính thức; Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thủ tục hành chính, chủ động rà soát các chức năng, nhiệm vụ của Cục theo hướng tinh gọn, hiệu quả."- Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.

HÀ PHƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh