CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:09

Năm 2020, Hà Nội giải quyết việc làm cho 180.578 lao động

Cũng theo thông tin từ ông Chử Xuân Dũng, đến cuối năm 2020, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thành phố có bước phát triển mạnh với đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động với 362 đơn vị. Trong đó: công lập có 122 đơn vị (chiểm 33,7%) và ngoài công lập có 240 đơn vị (chiếm 66,3%) tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.

Hà Nội: Năm 2020, giải quyết việc làm cho 180.578 lao động - Ảnh 1.

Người lao động tìm kiếm việc làm tại Trung tam giới thiệu việc làm Hà Nội.

Năm 2020, các cơ sở đã tuyển sinh được 215.000 lượt người (đạt 102,4% kế hoạch); trong đó: trình độ cao đẳng: 18.000; trung cấp: 23.000; sơ cấp và dưới 3 tháng: 174.000.

Toàn Thành phố giải quyết việc làm cho 180.578/156.000 lao động, đạt 116% kế hoạch. Đưa 2.571/3.500 người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Giải quyết việc làm cho 7.400 lao động qua hình thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. 13.930 lao động được tuyển dụng thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Tự tạo việc làm qua báo cáo kết quả tư vấn, giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp đối với 114.840 lao động.

"Năm 2020, hầu hết các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp đều có hợp tác với doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phối hợp đa dạng", ông Chử Xuân Dũng thông tin.

Các doanh nghiệp đã tiếp nhận 52126 học sinh, sinh viên đến thực hành, thực tập; hỗ trợ tham gia xây dựng, chỉnh sửa 422 bộ chương trình, giáo trình đào tạo ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; tham gia vào đào tạo, hướng dẫn thực tập đối với 629 lượt nghề; có 229 doanh nghiệp đặt hàng đào tạo với 12.320 người; tuyển dụng 16.177 học sinh, sinh viên vào làm việc ngay sau khi tốt nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với kinh phí: 8.143.600.000 đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp cho gần 500 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn Thành phố.

Từ thực trạng công tác đào tạo nghề gắn với dạy nghề trên địa bàn Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất một số giải pháp. Đó là thúc đẩy gắn kết đào tạo nghề với doanh nghiệp để giải quyết việc làm: Tăng cường tuyên truyền để các  doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc gắn kết, huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền để làm rõ các lợi ích cũng như sự ảnh hưởng tích cực từ việc cộng tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp đối với chất lượng lao động qua đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho người học sau đào tạo.

Về xây dựng chính sách, hiện nay, Nhà nước đã xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa có những chính sách phù hợp để khuyến khích phát triển mối quan hệ hợp tác này, như chính sách đối với nhà trường, với doanh nghiệp, với công nhân kỹ thuật, kỹ sư của doanh nghiệp tham gia giảng dạy, với người học khi học tập ở doanh nghiệp...; vì vậy các chính sách đề ra cần cụ thể và đồng bộ để khuyến khích nhà trường, doanh nghiệp, người dạy, người học… trong việc thực hiện sự gắn kết này.

Thành lập doanh nghiệp trong nhà trường theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012, Hội nghị Trung ương 6 khóa XI và Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg nhằm giúp cơ sở GDNN thực hiện thành công cơ chế tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP.

Cần xây dựng hệ thống thông tin về thị trường lao động một cách chính xác khoa học và đầy đủ nhằm: gắn kết đào tạo và sử dụng lao động, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động… để các cơ sở có hoạt động GDNN có được số liệu tổng quan về nhu cầu của DN trước mắt và lâu dài. 

Áp dụng công nghệ để xây dựng hệ thống kết nối cung và cầu đào tạo trong toàn hệ thống (nhà trường - doanh nghiệp - học sinh, sinh viên) để giải quyết được cung - cầu lao động.

"Hiện nay, Việt Nam chưa có các Hội đồng kỹ năng nghề làm nhiệm vụ nghiên cứu, điều tra, khảo sát, phân tích, dự báo nhu cầu sử dụng lao động của các ngành công nghiệp. Để giảm thiểu thực trạng thất nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo cần thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề trong một số lĩnh vực với sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước về GDNN, các Bộ, ngành, các doanh nghiệp", Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Chử Xuân Dũng đề xuất.

Cùng với đó, sử dụng Quỹ chống thất nghiệp để đào tạo cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp hoặc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động. Đây là giải pháp từ xa để chống thất nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội.

 Đối với các cơ sở GDNN cần đổi mới chương trình đào tạo, hướng đến nhu cầu thực tế của các DN, tăng cường thực hành, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng mềm. Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức, nội dung phối hợp giữa nhà trường với DN như: Ký kết các hợp đồng đào tạo; Phối hợp với các DN để tổ chức cho người học thực tập sản xuất, thực tập tốt nghiệp tại DN; Hoàn thiện chuẩn đầu ra để đổi mới chương trình đào tạo; phối hợp với DN đánh giá và xếp loại người học; Mời đội ngũ kỹ thuật viên có chuyên môn tốt và chuyên gia nước ngoài tham gia giảng dạy tại nhà trường hoặc tại địa điểm thực tập.

Từng bước xoá bỏ ranh giới của các khoa; bố trí sắp xếp máy móc, trang thiết bị thành một hệ thống kết nối thông qua internet, robots thành một nhà máy 4.0 hoạt động như một doanh nghiệp để có thể vừa tổ chức đào tạo, vừa nghiên cứu và sản xuất sản phẩm KHCN và thương mại hoá. Khai thác cán bộ, đội ngũ chuyên gia trong doanh nghiệp tham gia vào quá trình xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá, công nhận kỹ năng cho người lao động.

Gắn chặt vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp từ khâu xác định yêu cầu ra đề thi gắn với vị trí việc làm, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm đến kiến thức, kỹ năng cần đưa vào đề thi, kiểm tra. Tăng cường hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp về đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm và khai thác đội ngũ giảng viên và cơ sở vật chất thiết bị, công nghệ mới chỉ có trong doanh nghiệp.

Về giải pháp phát triển thị trường lao động, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên được tổ chức theo hướng Sàn Trung tâm, Sàn vệ tinh và Điểm vệ tinh. Tăng cường thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ lao động đăng tin tìm việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp đăng tin tuyển dụng thông qua website: vieclamhanoi.net; tổ chức phát hành Bản tin dự báo thị trường lao động.

Nâng cao chất lượng tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động tại sàn giao dịch việc làm và các điểm, sàn giao dịch vệ tinh của Thành phố. Thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ cho người lao động và cả doanh nghiệp khi doanh nghiệp gặp khó khăn.

Tăng cường quản lý nhà nước về công tác lao động: Tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động thông qua việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Tiếp tục đưa lao động Hà Nội đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng một cách ổn định và hiệu quả. Rà soát, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm dịch vụ việc làm của Thành phố. Tổ chức thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cho vay vốn giải quyết việc làm, đào tạo nghề cho lao động.

NHÓM PV

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh