THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:28

Năm 2018: Gần 926.000 thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia 2018

 

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 từ ngày 24 - 27/6 tại tất cả các tỉnh, thành.


Thí sinh dự thi và tham gia xét tuyển sinh đều tăng so với 2017

Ngày 27/4, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo về kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2018.

Theo đó, kỳ thi THPT quốc gia 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 27/6 tại tất cả các tỉnh, thành; mỗi tỉnh có một cụm thi do Sở GD&ĐT địa phương chủ trì, phối hợp với các đại học, học viện, các trường ĐH, CĐ do Bộ GD&ĐT điều động.

Về số liệu đăng ký dự thi (ĐKDT) năm 2018, Bộ GD&ĐT cho biết, tổng số thí sinh ĐKDT năm 2018 là 925.964 thí sinh (năm 2017: 866.006 thí sinh); trong đó học sinh đang học lớp 12 năm học 2017 - 2018 là 868.980 (năm 2017: 786.304); thí sinh tự do 56.984 (năm 2017: 33.0557); số thí sinh ĐKDT chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT: 237.354; số thí sinh ĐKDT để vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển sinh: 642.587; số thí sinh ĐKDT chỉ để xét tuyển sinh: 46.023.
Như vậy, năm 2018 sẽ có 879.941 thí sinh dự thi để được xét công nhận tốt nghiệp THPT (năm 2017: 809.369 thí sinh) và số thí sinh sẽ tham gia xét tuyển sinh ĐH, CĐ là 688.610 (năm 2017: 640.471 thí sinh). Thí sinh dự thi và tham gia xét tuyển sinh đều tăng so với 2017.
Về tỷ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp, thống kê của Bộ GD&ĐT cho thấy có 341.576 thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên (KHTN), chiếm 37% (năm 2017: 38%). 444.538 thí sinh đăng ký bài thi khoa học xã hội (KHXH), chiếm 48%. 360.16 thí sinh đăng ký cả 2 bài thi tổ hợp, chiếm 4%.
Số còn lại 11% trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp (số này là thí sinh tự do thi để xét tuyển ĐH, CĐ hoặc thí sinh tự do thi để xét công nhận tốt nghiệp có bảo lưu các môn thành phần của bài thi tổ hợp của năm 2017). Như vậy, so với năm 2017, tỷ lệ thí sinh đăng ký chọn bài thi KHXH tăng hơn khoảng 5%.

Đề thi THPT quốc gia năm 2018 sẽ không đánh đố học sinh

Liên quan đến đề thi THPT quốc gia năm 2018, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, năm 2018 là năm đầu tiên đề thi THPT quốc gia mở rộng phần kiến thức ra lớp 11. Tuy vậy, cấu trúc của đề thi vẫn ổn định với 60% là kiến thức cơ bản và 40% là kiến thức nâng cao nhằm gắn với hai mục đích là xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ. 

Đối với các môn thi KHTN như Vật lý, Hóa học, Sinh học, phần câu hỏi khó sẽ nghiêng bản chất như hiện tượng vật lý, hóa học, không phải về tính toán. Đề thi cũng sẽ có câu hỏi về thí nghiệm và thực hành để phù hợp với chương trình SGK mới. 

Với môn Toán, đề thi năm nay sẽ bắt đầu xuất hiện một số câu hỏi về lý thuyết Toán để học sinh hiểu bản chất vấn đề, đánh giá năng lực Toán học của học sinh. 

“Đề thi không mang tính đánh đố nên học sinh chỉ cần tập trung ôn tập kiến thức cơ bản trong SGK. Trong quá trình làm bài, thí sinh cần tránh bị sai sót ở những câu hỏi dễ, dễ có thể bị mất điểm đáng tiếc. Đối với các thí sinh muốn đạt điểm cao, có thể dành thời gian ôn tập thêm, nhưng cũng chỉ cần đào sâu từ chương trình SGK”, ông Hồng lưu ý.

HÒA THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh