CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:04

Năm 2018: Đóng và xử lý vi phạm về BHXH như thế nào?

 

 

Điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng BHXH

Một trong số những điều khoản quan trọng thuộc Luật BHXH 2014 chính thức có hiệu lực từ 1/12018 là điều chỉnh lương tháng làm căn cứ đóng BHXH đối với người lao động (NLĐ) làm việc trong khu vực (DN). Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho biết, theo quy định tại Điều 90 của Bộ Luật Lao động thì “tiền lương bao gồm các mức lương theo công việc hoặc theo chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác”. Trên cơ sở quy định về tiền lương theo Điều 90 của Bộ Luật Lao động, Luật BHXH năm 2014 đã quy định lộ trình về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với NLĐ trong khu vực DN như sau: Từ năm 2016 đến hết năm 2017 tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc là mức lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật về lao động. Từ  ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. “Việc quy định tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tiếp cận gần với tiền lương thực tế của NLĐ nhằm đảm bảo quyền thụ hưởng các chế độ BHXH khi NLĐ nghỉ việc hưởng BHXH từ quỹ BHXH, đặc biệt là nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống khi NLĐ nghỉ việc hưởng lương hưu”- Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quân cũng giải thích rõ các khoản phụ cấp lương tính đóng BHXH là các khoản phụ cấp lương để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ như: phụ cấp chức vụ, chức danh; phụ cấp trách nhiệm; phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; phụ cấp thâm niên; phụ cấp khu vực; phụ cấp lưu động và các phụ cấp có tính chất tương tự. Các khoản bổ sung khác tính đóng BHXH là các khoản bổ sung xac định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương. Các khoản không làm căn cứ tính đóng BHXH bắt buộc như thưởng sáng kiến, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ... Các phần này là thu nhập bổ sung có tính chất phụ thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh, mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Về cơ bản, mức đóng BHXH của doanh nghiệp từ 1/1/2018 không tăng nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp không có sự thay đổi gì.

 

 

Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, hiện nay, các DN và bản thân NLĐ cho rằng mức đóng BHXH của chúng ta có tỷ trọng cao. Tỷ trọng cao là 22%, trong đó 14% là doanh nghiệp đóng, 8% là người lao động đóng. Nhưng chúng ta đóng trên nền rất thấp, các doanh nghiệp đóng trên tiền lương tối thiểu nên rõ ràng tiền lương hưu sau này khi làm căn cứ hưởng lương hưu lại thấp. Phải làm sao đóng trên tiền lương thực, thu nhập để khi hôm nay chúng ta đang làm việc thì có thể tích cho mai sau, khi về già, sẽ có lương hưu cao hơn, bảo đảm đời sống tốt hơn.

Tính đến thời điểm này, BHXH Việt Nam đã tuyên truyền về chính sách pháp luật của Luật 2014, Theo ông Trần Đình Liệu, đã có khoảng 13 nghìn lượt báo chí thông tin, các văn bản Luật. “Chúng tôi tập trung cải cách thủ tục hành chinh, kê khai, đơn giản hóa hồ sơ, mẫu biểu để làm sao NLĐ kê khai nhanh chóng. Như hiện nay DN đóng theo đúng quy định các DN thực hiện tương đối tốt. Việc đóng BHXH cấp sổ, cấp thẻ, hiện nay triển khai đến các đơn vị sử dụng lao động. Quy trình này trên nền tảng các quy định của pháp luật. Cải tiến hồ sơ, mẫu biểu, quy trình công khai minh bạch, tập huấn sâu rộng…” – Ông Trần Đình Liệu nhấn mạnh. Trong khi đó, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, trong quy định của Luật BHXH, chúng ta phải công khai, minh bạch đóng BHXH của NLĐ, một là trả sổ cho NLĐ, thứ hai là công khai minh bạch mức đóng của NLĐ để NLĐ điều chỉnh mức đóng.

Trốn đóng BHXH có thể phạt tù lên tới 10 năm

Liên quan đến quy định xử lý hình sự đối với các vi phạm cũng có hiệu lực từ 1/1/2018, yếu tố quan trọng trong vấn đề này là quy trình xử lý hình sự các gian lận về bảo hiểm cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan. Thứ trưởng Lê Quân cho biết, ngày 20/6/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Theo đó, Bộ luật hình sự đã bổ sung: Tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214), Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp (Điều 216), ngoài việc bị phạt tiền, có thể bị phạt tù đến 10 năm. Để thực hiện nội dung trên, cần thiết phải có hướng dẫn thật cụ thể của Hồi đồng thẩm phán- Tòa án nhân dân tối cao về các hành vi “gian lận”, “gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác” để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định. Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp tích cực với các cơ quan có liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai nội dung nêu trên của Bộ luật hình sự. Thứ trưởng Lê Quân cũng cho biết, việc áp dụng hình sự đối với các DN trốn đóng BHXH nhưng thực tế nhiều DN không còn khả năng hoạt động cũng cần nghiên cứu phương án để hỗ trợ NLĐ, đảm bảo quyền lợi của NLĐ.

Ông Trần Đình Liệu cho rằng, cần phải phân ra hai loại, một là trốn đóng, hai là chậm đóng. Trốn là trốn hẳn và là hành vi nguy hiểm, tác động đến xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi NLĐ, môi trường sản xuất kinh doanh. Hiện nay chúng ta có khoảng 600 nghìn DN, có khoảng 250 nghìn DN tham gia BHXH, việc trốn đóng ở các DN này phát hiện được ngay, còn hơn 300 DN có khoảng trên dưới 2 triệu, chúng tôi đang tập trung với ngành thuế, năm 2017 đã đi kiểm tra được 100 nghìn DN, gần 60 nghìn DN không còn trên địa bàn, còn lại một số DN còn rất ít lao động... “Quốc hội đã cân nhắc rất kỹ đưa ra điều luật về xử lý hành vi trốn đóng, chậm đóng, vi phạm pháp luật. Việc vi phạm đóng và hưởng đã được cụ thể hóa trong luật. Quy trình xử lý phải có từng bước, hiện ngành BHXH thực hiện chức năng thanh tra đóng, theo quy định đang phối hợp với tòa án nhân dân tối cao, có quy trình xử lý, ngoài việc chấp hành xử lý phạt tòa sẽ tiếp tục xử lý bằng vi phạm hành chính, thấp nhất 10 triệu đồng, cao nhất 1-3 tỉ đồng, nếu không chấp hành sẽ phạt tù cao nhất 10 năm. Rõ ràng câu chuyện chấp hành pháp luật không nghiêm của một số đối tượng sẽ được xử lý quy định rõ ràng”- Ông Trần Đình Liệu chia sẻ.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, hiện nay tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH rất phức tạp, bất khả kháng mới phải xử lý hình sự. Cần có khuyến cáo với DN, NLĐ và cả cơ quan BHXH, đối với NLĐ tăng cường đối thoại, bảo vệ quyền lợi của NLĐ, BHXH có chức năng thanh tra, kiểm tra, xử lý đã, bất khả kháng mới sử lý hình sự, công khai, minh bạch các doanh nghiệp, công khai cả người đóng, chính NLĐ, công đoàn, DN giám sát việc này. Có những DN rất tốt nhưng quá trình triển khai chưa được đôn đốc, nhắc nhở… nên có sự chậm trễ. Chúng ta tránh việc tạo ra sức ép với DN, DN cũng muốn tăng trưởng phát triển... Chúng ta phải thông cảm với DN, trong cơ chế thị trường là rất khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng để phát triển, có phát triển thì mới giữ được lao động. Cần phải phân tích kỹ đâu là nợ, chậm, chiếm dụng BHXH… Cần phải khích lệ DN phát triển, tạo cơ hội cho DN nhưng cũng phải chăm lo đời sống NLĐ.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng thảo luận về lộ trình thực hiện cách tính lương hưu đối với nữ từ ngày 1/1/2018 trở đi. Rõ ràng, những chính sách mới trong chính sách tiền lương, BHXH sẽ có tác động rất lớn đối với NLĐ. Cùng với hệ thống chính sách pháp luật đang dần hoàn thiện, hi vọng quyền lợi chính đáng của NLĐ sẽ ngày càng được bảo vệ một cách tối ưu, thể niện nỗ lực, những bước tiến đáng ghi nhận trong xây dựng chính sách.

HUYỀN MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh