CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:04

Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ hai đề án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Trước đó, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) đề xuất nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các đô thị. ĐB đề nghị, giờ làm việc nên bắt đầu từ 8h30, kết thúc lúc 17h, thời gian nghỉ trưa kéo dài một giờ. Riêng khối sản xuất, doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với điều kiện kinh doanh của từng đơn vị. Đại biểu này cho rằng, việc thay đổi khung giờ làm việc như trên sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông cũng như có nhiều tác động tích cực khác.
Nghiên cứu bài bản khi quy định giờ làm
Trao đổi về đề xuất của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 1/11, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, vấn đề này phải đánh giá tác động cụ thể về mặt  kinh tế-xã hội thế nào, vấn đề giao thông ra sao cũng như hiệu quả công việc… “Giờ làm việc và giờ nghỉ trưa phải được xem xét cụ thể. Ví dụ đối tượng lao động khối hành chính khác với người lao động trực tiếp. Cũng là lao động đấy nhưng thời điểm lao động khác nhau, ví dụ khối sản xuất kinh doanh thuỷ sản chẳng hạn mà lại kéo dài thời gian làm việc quá thì không cho phép. Do đó, phải rất linh hoạt trong việc này. Cho nên nếu sửa đổi luật lao động thì cũng phải sửa theo hướng quy định khung, còn cụ thể những trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định. Riêng giờ lao động trong ngày thì phải đánh giá tác động cụ thể. "Phải nghiên cứu bài bản, khoa học và đánh giá tác động cả về kinh tế - xã hội và các yếu tố, quan trọng là làm sao để tăng năng suất lao động” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao đổi với báo chí bên hành lang QH
 
Chuẩn bị, trình Chính phủ hai đề án cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội
Về một số công việc quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, sắp tới, Bộ sẽ khảo sát một số đề án lớn như vấn đề tuổi nghỉ hưu, vấn đề làm thêm giờ, vấn đề điều chỉnh giờ giấc, vấn đề lương cơ bản… Trong đó, tổng thể mà nói, Bộ sẽ phải nghiên cứu hai đề án rất cơ bản, một là đề án cải cách chế độ tiền lương trong khối sản xuất kinh doanh, thứ hai là đề án đổi mới và cải cách chế độ bảo hiểm xã hội để làm sao bảo hiểm xã hội thật sự là trụ cột an sinh của xã hội và đảm bảo bền vững quỹ BHXH, tránh tình trạng không thực hiện được việc cân đối quỹ cho đến 2035. Hai đề án này Bộ sẽ chuẩn bị trình Chính phủ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo với trung ương để xem xét, quyết định.
Liên quan đến ý kiến của đại biểu Sùng Thìn Cò về vấn đề quy tập hài cốt liệt sỹ về nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện chúng ta còn 200 ngàn liệt sỹ chưa được đưa về các nghĩa trang liệt sỹ. "Đây là điều day dứt nhất, đau lòng nhất của chúng ta. Dù thời gian qua, Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các Ban chỉ đạo 1237 của các cấp cũng như Chính phủ rất quan tâm đến lĩnh vực này. Chúng ta đã có 21 đội chuyên quy tập hài cốt liệt sỹ kể cả trong nước, rồi ở Lào, Campuchia, chúng ta cũng đã làm được nhiều. Tuy nhiên, chiến tranh đã qua quá lâu, địa hình, địa vật thay đổi quá nhiều, muốn tìm được cũng không dễ dàng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và cho biết, vừa rồi Chính phủ cũng có quyết định điều chỉnh chính sách thay thế Quy định 75 nhằm nâng cao và tạo điều kiện cho các đội quy tập liệt sỹ trên cả nước cũng như khuyến khích người dân và các tổ chức xã hội có điều kiện thì cùng tham gia công việc này…
 

Châu Giang

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh