CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:18

Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ đạt hơn 2 tỷ USD

 

 Việt Nam đang thời kỳ vàng

Ngày 25/10, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp số 2017 - “Kỷ nguyên Số và Quốc gia khởi nghiệp” tại Hà Nội.

 

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của các nền kinh tế trên thế giới và Việt Nam không nằm ngoài xu thế đó. Với sự ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học công nghệ, cuộc cách mạng đã và đang làm biến đổi sâu sắc, mạnh mẽ về tư liệu sản xuất, làm thay đổi căn bản cách thức con người tác động vào đối tượng sản xuất và làm thay đổi nền sản xuất của xã hội.

“Hy vọng sẽ có một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng tốt công nghệ số để làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội ở nước mình”, ông Nam nói.
Đồng thời ông Nam khẳng định, Việt Nam đang thời kỳ vàng của CNH - HĐH với lực lượng chủ lực là các DN số đi đầu ở Việt Nam và nếu làm được việc này thì góp phần lớn nhất để nước này tiến kịp các nước phát triển. Tuy nhiên, lực lượng DN phải được tổ chức lại, có tiếng nói và Chính phủ có chính sách thiết thực để hỗ trợ cho đội ngũ này phát triển.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến cũng cho rằng bên cạnh những khó khăn, Việt Nam đã có những yếu tố quan trọng là tiền đề cho việc làm chủ công nghệ trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này như: tỷ lệ dân số và doanh nghiệp sử dụng Internet cao (khoảng 54% dân số vào năm 2016, đứng thứ 5 ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương); tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh đạt 55%; ngành công nghệ thông tin đang có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng lên đến 16%; Việt Nam cũng đứng trong top 5 nước tăng trưởng công nghệ thông tin nhanh nhất thế giới…

Tuy nhiên, như ông Henry Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia cao cấp, Giám đốc trung tâm Khoa học tư duy CTS - Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, không đâu như ở Việt Nam, người dân vẫn ào ào mua smartphone và wifi được miễn phí, cước 3G, 4G nằm trong top rẻ nhất thế giới. 

“Sự tăng trưởng này có vẻ như lãng phí, nhưng nếu biết tận dụng, chúng ta sẽ phát triển khủng khiếp. Lực lượng đang sử dụng smartphone, Internet thành thạo nhất chỉ khai thác Facebook, cá độ bóng đá và kiếm rất nhiều tiền. Vậy tại sao trong những lĩnh vực khác, chúng ta không làm?”, ông Thái Hòa nói.

68% người tiêu dùng đã và mong muốn sử dụng mua sắm ảo

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, xu hướng công nghệ trong 5 năm tới sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng Việt Nam. Theo đó, 55% người tiêu dùng Việt Nam đã và sẽ sử dụng thiết bị có kết nối internet để mua sắm nhanh và hiệu quả hơn. 

Đáng chú ý, trong 6 tháng gần đây, người tiêu dùng Việt Nam sử dụng các thiết bị di động được kết nối để đơn giản hóa trải nghiệm với 43% mua sắm, 33% thanh toán hóa đơn trực tuyến, 35% đặt vé máy bay, xem phim, đặt phòng khách sạn, 31% chuyển tiền. Về xu hướng, có tới 68% người tiêu dùng đã và mong muốn sử dụng mua sắm ảo.

Sự bùng nổ của các ứng dụng thương mại điện tử tăng khả năng mua sắm trực tuyến. Trong năm 2017, có hơn 210 website có nội dụng liên quan đến thương mại điện tử được thành lập. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ năm 2017 đạt hơn 2 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng 20%.

Cùng với thương mại điện tử, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động hết sức mạnh mẽ, làm thay đổi sâu sắc phương thức sản xuất, quản trị xã hội, dịch vụ, thương mại...

Do đó, sự tham gia của ban ngành các cấp, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp trong việc chủ động tiếp cận thông tin và dữ liệu, chuyển giao công nghệ cũng như chuyển đổi sang doanh nghiệp số sẽ là điều kiện để Việt Nam tối ưu hóa cơ hội từ cuộc cách mạng này.

 

NGUYỄN THANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh