Năm 2015 vui buồn của bóng đá Việt Nam
- Văn hóa - Giải trí
- 18:13 - 21/12/2015
Sự vươn lên của một thế hệ cầu thủ giàu triển vọng
Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm. Sau mỗi năm, lứa Công Phượng và các đồng đội càng có thêm kinh nghiệm. Họ cũng là dàn cầu thủ được đặt nhiều kỳ vọng nhất bóng đá Việt Nam hiện tại.
Dĩ nhiên, không phải ai trong số những cầu thủ xuất thân từ học viện của bầu Đức cũng quá xuất chúng. Dù vậy, vẫn có một số cái tên đáng được gọi là niềm hy vọng cho tương lai của bóng đá Việt Nam, nổi bật nhất trong số đó chắc chắn vẫn là Công Phượng và Tuấn Anh, 2 cầu thủ gần như luôn gánh trọng trách gánh vác lối chơi của HA Gia Lai trong hơn 1 năm qua.
Một người được xem là tiền đạo có kỹ thuật tốt nhất trong thế hệ của bóng đá Việt Nam, người kia được dự báo sẽ là nhạc trưởng của bóng đá nội trong tương lai.
Bên cạnh những cầu thủ tốt nhất của HA Gia Lai, người ta cũng có thể kể ra một số gương mặt thực sự nổi bật khác như trung vệ Bùi Tiến Dũng của Viettel, hay các tiền vệ Duy Mạnh và Xuân Mạnh đang khoác áo Hà Nội T&T. Lứa trẻ hơn nữa có Lâm Ti Phong (Khánh Hòa) hoặc Nguyễn Trọng Đại (Viettel), rồi dàn cầu thủ U19 sẽ ra lò từ trung tâm PVF…
Sau một thời gian “lướt sóng” bóng đá, đã xuất hiện nhiều lò đào tạo và nhiều CLB chú tâm hơn đến việc đào tạo trẻ. Đây là tín hiện hết sức đáng mừng khi bóng đá tự thân nó sẽ đào thải bớt dạng ông bầu sốc nổi, thích làm bóng đá vì thương hiệu, và tồn tại lâu hơn với những ông chủ thực sự tâm huyết và thực sự biết cách làm.
Niềm vui còn ở chỗ ý thức của các đội bóng Việt Nam ở sân chơi châu lục đã được nâng lên. Đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia thi đấu quyết tâm tại vòng loại U23 châu Á (có vé vào VCK) và vòng loại World Cup khu vực châu Á, hay đội tuyển U19 có vé dự VCK châu lục. Ý thức đấy cũng là sự thay đổi quan trọng.
Sự thất vọng với khâu điều hành
Nỗi buồn lớn nhất đối với nhiều người quan tâm đến bóng đá Việt Nam ở thời điểm này nói chung là sự thiếu định hướng ở khâu điều hành. Nhân vật đang giữ vị trí cao nhất trong cơ quan điều hành bóng đá nội chưa cho thấy mình là người có tầm nhìn xa.
Nhưng sự thiếu những định hướng chiến lược ở khâu điều hành chính là nỗi buồn cho bóng đá nội
Điều đó dẫn đến các quyết sách của bóng đá Việt Nam cũng phần lớn là chạy theo dư luận, chứ không phải những chiến lược có tầm nhìn hẳn hoi. Ví dụ như người ta mất công tranh cãi về cái chuyện vô ích rằng có nên hay không nên ra cái nghị quyết vốn chưa từng có tiền lệ, là sử dụng hay không sử dụng một lứa cầu thủ xuất thân từ một CLB làm nòng cốt cho các đội tuyển, mà bỏ qua điều quan trọng nhất rằng cứ đá hay thì tự khắc có chỗ.
Ví dụ như chuyện buộc các CLB phải có đầy đủ hệ thống đào tạo bóng đá trẻ, nhưng chỉ sau một mùa giải đề ra luật nhưng không thấy các CLB áp dụng giờ lại lo tính đường nới lỏng luật của chính mình.
Bóng đá Việt Nam hiện không có đầu tàu giỏi ngồi ở vị trí điều hành toàn bộ làng cầu, thành ra cũng có chuyện chúng ta thường xuyên có những quyết định và những tuyên bố chẳng giống ai. Điển hình là án phạt dành cho Quế Ngọc Hải vừa vô lý vừa không có tình.
Ở một nền bóng đá mà tại đấy người ngồi ở các vị trí điều hành thường nhìn dư luận mà hành động, thay vì phải chọn lối đi và vạch chiến lược cho mình ngay từ đầu, thì khó trách bộ máy các phòng ban phía dưới cũng mất phương hướng theo.
Nỗi buồn khác nằm ở chỗ sau ngót 20 năm tưởng rằng đã tiệm cận trình độ của bóng đá Thái Lan (tính từ thời điểm vào chung kết SEA Games 1995), rồi dần vươn ra châu lục, bóng đá Việt Nam cho đến tận bây giờ vẫn loay hoay với câu hỏi đâu mới là hướng đi phù hợp cho chính mình? Rằng nên học Hàn hay nên hợp tác với Nhật?
Đấy là hậu quả của việc thay vì vạch lộ trình để tìm đường mà đi, thì những người làm bóng đá bấy lâu nay toàn làm theo kiểu cứ đi rồi hy vọng thấy đường!