CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 11:46

TP Hồ Chí Minh: Muỗi ‘bủa vây’ khu dân cư

.

Trung tâm Y tế dự phòng TP.Hồ Chí Minh đã chỉ đạo lực lượng y tế dự phòng các quận/huyện và khu công nghiệp triển khai nhiều hoạt động diệt lăng quăng tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra SXH.

Muỗi từ kênh rác

Cùng ngày, PV  đã tìm đến phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), địa bàn được xem là có nguy cơ cao, nơi có dòng kênh 19-5 chảy qua với nhiều đoạn bị ô nhiễm trầm trọng. Tại đây, chúng tôi ghi nhận dòng nước đổi thành màu đen, rác ngập kín mặt kênh khiến dòng nước không thể chảy và bốc mùi hôi thối. Rác còn nằm dọc trên bờ kênh khiến người đi đường qua đây phải bịt mũi vì khó thở.

Ông Lê Văn Minh, cư dân ở khu phố 11, phường Bình Hưng Hòa, cho biết :"Thỉnh thoảng có thấy UBND phường tổ chức vớt rác. Nhưng sau đó rác vẫn được lén lút đổ xuống kênh. Chẳng những gây hôi thối, ô nhiễm môi trường mà muỗi mòng độ này cũng xuất hiện rất nhiều. Tôi có hai cháu nội, lúc nào cũng phải canh chừng vì sợ muỗi đốt mắc bệnh thì khổ” 

Tại kênh Láng Le-Bàu Cò chạy dọc xã Lê Minh Xuân và xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh), chúng tôi ghi nhận có đoạn kênh lục bình và rác xuất hiện khá nhiều. Theo người dân, trước đây dọc đoạn kênh này lục bình và rác thải rất nhiều. Tháng 4/2015, UBND hai xã đã tổ chức vớt lục bình và rác nên tình hình ô nhiễm đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, dưới cầu Kênh B (giáp ranh hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt, bắc ngang kênh Láng Le-Bàu Cò), chúng tôi thấy rác quăng ngập cả chân cầu.

Người đi đường phải bịt mũi khi đi qua kênh 19-5 đầy rác, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân.

 

 

 


 

Và chân cầu Kênh B (giáp ranh hai xã Lê Minh Xuân và Tân Nhựt). Ảnh: TRẦN NGỌC

Cứng rắn với người quăng rác

Để diệt muỗi, ngay từ tháng 2/2015, UBND TP.Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu UBND phường, xã, thị trấn định kỳ hằng quý tổ chức vận động nhân dân, các đoàn thể tham gia vớt rác, lục bình, dọn dẹp vệ sinh môi trường.

Về vấn đề này, ông Phạm Nguyễn Hiếu Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho biết từ đầu năm 2015 đến nay UBND phường đã tổ chức ba đợt vớt rác trên kênh 19-5 và phân công lực lượng giám sát việc vứt rác xuống kênh. Thế nhưng do lực lượng mỏng, thừa lúc không ai giám sát nên một số hộ tuồn rác xuống kênh gây nên tình trạng ngập rác.

Cũng theo ông Trung, có một số người buôn bán tự phát ở khu phố 11 thường vứt chất thải xuống kênh. “Hiện nay phường đang tuyên truyền và vận động nhưng nếu vẫn không thay đổi ý thức của một số hộ dân và người buôn bán thì buộc phường phải có biện pháp cứng rắn hơn” - ông Trung nói.

Bà Lâm Trâm Bằng Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), cũng cho biết: "Mới đây UBND xã đã tổ chức vớt lục bình trên kênh Láng Le-Bàu Cò nhưng do đặc tính phát triển nhanh nên có đoạn lục bình xuất hiện trở lại. UBND xã sẽ duy trì hoạt động vớt lục bình để nước kênh chảy dễ dàng, hạn chế bùng phát các dịch bệnh lây nhiễm. “UBND xã cũng sẽ đề nghị tất cả hộ dân phải ký hợp đồng thu gom rác với tổ rác dân lập để chấm dứt tình trạng đổ rác xuống kênh. Ngoài ra, không ít công nhân của các doanh nghiệp nằm dọc kênh Láng Le-Bàu Cò quăng đồ dùng đựng thức ăn xuống kênh, UBND xã sẽ làm việc với chủ doanh nghiệp và yêu cầu chấm dứt thực trạng này” 

Xả rác bị phạt từ 1 đến 5 triệu đồng

Nếu việc tuyên truyền, vận động không hiệu quả, theo tôi cần mạnh tay xử phạt những người đổ rác xuống kênh theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Khoản 1 Điều 16 của nghị định quy định: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi thải, bỏ các chất, vật dụng có khả năng làm lây lan bệnh truyền nhiễm gây dịch. Mục b khoản 1 Điều 89 quy định: Chủ tịch UBND phường/xã có quyền phạt tiền đến 5 triệu đồng đối với vi phạm hành chính về y tế dự phòng.

BS LÊ VĂN NHÂN, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế
dự phòng TP.

4.877 ca SXH nhập viện toàn TP.Hồ Chí Minh từ đầu năm 2015 đến hết tuần 25 (từ ngày 12 đến 18-6). Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP., SXH hiện đang gia tăng ở các phường, xã. Chỉ tính trong tuần 25, TP. ghi nhận 115 trường hợp SXH nhập viện, cao hơn 38 ca so với tuần 25 của năm 2014.

Chủ tịch UBND quận/huyện, phường/xã phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. nếu để xảy ra SXH trên địa bàn. UBND quận/huyện, phường/xã phải triển khai những hình thức chế tài đối với tổ chức, cá nhân không tham gia diệt lăng quăng, để tăng nguy cơ bùng phát SXH.

Phó Chủ tịch UBND TP. HỨA NGỌC THUẬN
phát biểu tại mít tinh Hưởng ứng ngày ASEAN phòng, chống SXH (14-6)


Theo Pháp luật HCM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh