Mục tiêu tăng trưởng 6,8% năm 2019 là khả thi
- Huyệt vị
- 16:59 - 16/04/2019
Tuy nhiên, tốc độ tăng của một số ngành có dấu hiệu chậm lại. Đáng lưu ý là sự sụt giảm mạnh của chỉ số PMI xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua vào tháng 2/2019 khiến mức độ lạc quan của nhà sản xuất cũng giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện và xăng dầu – những yếu tố đầu vào quan trọng của sản xuất gần đây khiến chi phí và giá thành sản xuất hàng hóa có thể tăng nhẹ.
Đây là những yếu tố có thể khiến tăng trưởng GDP quý II còn thấp hơn, như theo dự báo của VERP sẽ chỉ đạt 6,32%, trước khi phục hồi trở lại, lần lượt đạt 6,94% và 7,16% trong quý III và quý IV khi các dự án đầu tư công được đẩy mạnh. “Căn cứ vào quy luật, điều hành chính sách và thực tiễn của nền kinh tế, chúng tôi đưa ra kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và quý IV sẽ cao hơn, qua đó giúp cả năm sẽ nằm trong khoảng 6,7-6,8%”, PGS.TS. Phạm Thế Anh cho biết.
Mặc dù dự báo việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP của năm nay là khả thi nhưng PGS. TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VERP bổ sung thêm, với nền kinh tế có độ mở lớn và phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu thì các yếu tố bên ngoài như CTTM Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro suy giảm của kinh tế Trung Quốc, Mỹ, EU… sẽ có những tác động bất lợi đối với kinh tế, thương mại của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế vẫn tiếp tục phụ thuộc vào FDI và xuất khẩu của khu vực này trong khi cổ phần hóa khu vực DNNN tiếp tục giậm chân tại chỗ; hay số lượng DN tạm dừng hoạt động, giải thể tăng cao trong quý vừa qua vẫn là những vấn đề cần lưu tâm và cho thấy môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện.
Trong khi đó với xu hướng áp lực lạm phát gia tăng gần đây, nhất là khi có nhiều mặt hàng tăng giá cùng lúc và sẽ được tính toán trong chu kỳ tính CPI tháng 4 này đòi hỏi các nhà điều hành phải theo dõi rất sát.
“Tác động của việc tăng giá điện và xăng dầu vừa qua đến CPI có thể kéo dài tới 2 - 6 tháng sau đó. Do vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát dưới 4%, rất cần sự thận trọng”, báo cáo nêu.
Cuối cùng, ở tầm nhìn dài hạn hơn, khuyến nghị của VEPR là Việt Nam cần từng bước xây dựng đệm tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Một khi giải quyết được vấn đề về thâm hụt ngân sách và nợ công, các kết quả về tăng trưởng mới thực sự bền vững.