THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:06

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019: Củng cố nền tảng, tăng trưởng nhanh và bền vững

Quang cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam sáng nay. Phiên Hội thảo chuyên đề “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng"

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019, Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 trong 2 ngày 16 - 17/01/2019 tại Hà Nội.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều đại diện lãnh đạo của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín ở trong nước và ngoài nước nhằm nhìn lại nền kinh tế năm qua và bàn thảo các vấn đề lớn về kinh tế. Đồng thời định hướng cho thời gian tới, nhất là trong việc đánh giá tình hình, xu thế, nhận diện các cơ hội, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế, đồng thời đề xuất, kiến nghị các chính sách, giải pháp lớn thúc đẩy đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam thường niên thu hút được nhiều sự quan tâm của xã hội, đồng thời là nơi hội tụ trí tuệ, giao lưu, chia sẻ, học hỏi và kết nối của của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước về các vấn đề kinh tế.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019 là lần thứ ba được tổ chức. Nếu như hai Diễn đàn trước lần lượt thu hút khoảng 850 và 1.500 đại biểu tham dự, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ ba dự kiến thu hút khoảng 2.000 đại biểu tham gia các phiên Hội thảo chuyên đề và Đối thoại chính sách.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự quyết tâm nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cùng với sự đồng hành của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, năm 2018 Việt Nam đã đạt nhiều tựu phát triển khá toàn diện trên các lĩnh vực: Hoàn thành toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch, trong đó có 9 chỉ tiêu vượt kế hoạch; kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, chỉ số lạm phát (CPI) được kiểm soát ở mức 3,54%, xuất siêu đạt kỷ lục (hơn 7 tỷ USD).

Tăng trưởng GDP đạt 7,08% vượt chỉ tiêu 6,7%; năng suất lao động và hiệu quả của nền kinh tế tăng lên; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân được nâng cao. Ba đột phá chiến lược đạt kết quả thực chất hơn; cơ cấu lại nền kinh tế có chuyển biến rõ nét.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh. Kết quả này tạo nền tảng và không khí phấn khởi trong toàn xã hội, củng cố niềm tin về việc thực hiện hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Năm 2019 và trong trung hạn, tình hình thế giới, khu vực được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp; nhìn chung tốc độ tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu có xu hướng chậm lại, rủi ro tài chính gia tăng. Do đó, bên cạnh những thời cơ, các yếu tố thuận lợi nhưng nền kinh tế nước ta vẫn phải đối mặt không ít những khó khăn, thách thức từ bên ngoài như cạnh tranh chiến lược, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn, thị trường tài chính, tiền tệ, thương mại quốc tế tiềm ẩn nhiều rủi ro, diễn biến khó lường... và những hạn chế, yếu kém trong nội tại như tiềm lực, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế; môi trường kinh doanh chưa thực sự thuận lợi; năng suất lao động, tính tự chủ, năng lực tự cường của nền kinh tế còn thấp,... đe dọa đến sự tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, bao trùm và ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong khi đó, thách thức an ninh phi truyền thống, bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng gia tăng; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, công nghệ số, tự động hóa, internet vạn vật mang đến nhiều cơ hội và thách thức, tác động mạnh mẽ trên nhiều phương diện; áp lực ngày càng tăng từ việc thực hiện các FTAs thể hệ mới.

Diễn đàn năm 2019 với sự tham dự của khoảng 2.000 đại biểu trong nước và quốc tế sẽ bao gồm các chuỗi sự kiện quan trọng: Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” (chiều ngày 17/1/2019) với sự tham dự, phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Ngoài ra, trước khi đi vào các thảo luận chung giữa đại diện lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia cao cấp, đại diện lãnh đạo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông và các giám đốc quốc gia của WB, ADB tại Việt Nam có các bài trình bày quan trọng về: kinh tế Việt Nam năm 2018, triển vọng năm 2019 và một số khuyến nghị về phát triển kinh tế trong trung hạn; định hướng phát triển nền kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng mới của Việt Nam; xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI trong tình hình mới và tăng cường cạnh tranh, liên kết doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.  

Một Hội thảo chuyên đề quan trọng nữa trong khuôn khổ diễn đàn mang tên “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam” (2 ngày 16-17/1/2019). Tại Hội thảo này, các chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ các cơ quan quản lý của các nước trong khu vực và các chuyên gia của các tổ chức quốc tế chia sẻ những thông lệ, chuẩn mực quốc tế và bài học kinh nghiệm tốt của quốc gia về cải cách và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là quản trị và huy động vốn.

Đây là cơ hội rất tốt để các chuyên gia của các nước xem xét, đánh giá thực trạng và xu hướng phát triển cơ sở hạ tầng; tiếp cận đổi mới thể chế quản lý và phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển.

Cùng với đó, Hội thảo chuyên đề “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” (diễn ra sáng ngày 17/1/2019). Bên lề Hội thảo, có tổ chức triển lãm chuyên đề “Công nghệ năng lượng hướng tới phát triển bền vững” với 10 đại diện doanh nghiệp tiêu biểu trong các lĩnh vực điện than, điện khí, điện gió, điện mặt trời, lưới điện thông minh và sử dụng năng lượng hiệu quả hay ứng dụng IoT và AI trong phát triển công nghiệp năng lượng như như EVN, Siemens, ABB, SolarBK, TokyoGas, Intel, CocaCola…

Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia là những vấn đề quan trọng ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và đang đứng trước nhiều nguy cơ về bảo đảm an ninh năng lượng trong tình hình mới.

Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Hội thảo chuyên đề “Định hướng phát triển nền kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 – Cơ hội và thách thức cho Việt Nam” (sáng ngày 17/1/2019) trao đổi về: Xu hướng phát triển và tác động của kinh tế số lên nền kinh tế thế giới; Tác động của kinh tế số lên các nhóm ngành kinh tế: cơ hội và thách thức cho các nước khu vực Đông Nam Á; Chiến lược phát triển kinh tế số của Việt Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0; Cơ hội của kinh tế số để Việt Nam phát triển đột phá; Tạo môi trường đầu tư và phát triển để tối ưu hóa lợi ích đem lại từ nền kinh tế số cho Việt Nam; Đánh giá mức độ tác động của kinh tế số lên các ngành kinh tế. Những lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam nên tập trung để phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 dự kiến sẽ đưa ra những đánh giá, nhận định về nền kinh tế Việt Nam hiện tại và triển vọng trong trung hạn, nhất là những cơ hội, khó khăn, thách thức cùng với các kiến nghị, đề xuất chính sách có giá trị khoa học và thực tiễn để làm cơ sở cho Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam xem xét trong quá trình hoàn thiện thể chế và lãnh đạo, điều hành nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo và bao trùm.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh