Mục tiêu đến năm 2030 không còn huyện đặc biệt khó khăn
- Dược liệu
- 04:37 - 04/01/2019
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình (giữa); Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (bên phải); Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội thảo
Ngày 3/1/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo quốc gia “Thực trạng chính sách dân tộc, định hướng xây dựng chính sách giai đoạn 2021-2030”, nhằm đánh giá những kết quả đạt và chưa đạt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đồng thời định hướng chính sách dân tộc thời gian tới.
Đồng chủ trì Hội thảo có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và phát triển bền vững.
Với tinh thần trên, hệ thống chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển về kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số không ngừng được hoàn thiện, từ năm 2016, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập việc ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án và chính sách dân tộc.
Tính đến nay, Việt Nam có 54 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số ít người và vùng miền núi còn hiệu lực. Thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng: Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội ngày càng phát triển (100% xã có đường ô-tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn); tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 2016-2018 giảm 3,5%/năm.
Theo đánh giá tại Hội thảo, trong giai đoạn vừa qua, nhất là giai đoạn 2016 - 2018, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc thực hiện công tác giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi; triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đạt kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay ở vùng DTTS và miền núi, tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật vẫn đang là thách thức lớn.
Quang cảnh Hội thảo
Tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước; thu nhập bình quân của hộ DTTS, nhiều nơi chỉ bằng 40-50% bình quân thu nhập trong khu vực. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt… Những khó khăn, hạn chế do nhiều nguyên nhân. Thời gian tới, chính sách dân tộc cần phải đổi mới để giải quyết những thách thức này.
Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Bộ tiêu chí phân định vùng DTTS theo trình độ phát triển và vùng miền đảm bảo khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời, xây dựng Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021.
Dự kiến đề án sẽ đề cập đến 6 nhóm chính sách chủ yếu: phân bổ ngân sách quốc gia cho vùng DTTS và miền núi; thu hút đầu tư; hỗ trợ đầu tư phát triển giao thông nông thôn, các cơ sở dạy nghề, giáo dục, y tế; đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tín dụng ưu đãi đối với hộ DTTS tạo sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân…
Trên cơ sở đó, ông Chiến cho biết mục tiêu chung của các chính sách là đến năm 2030 thu hẹp một bước chênh lệch giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng phát triển; không còn huyện đặc biệt khó khăn, giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn, giảm 60% hộ nghèo dân tộc thiểu số hiện nay; 100% các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi có đủ hạ tầng thiết yếu như đường ô tô cứng hoá đến trung tâm xã, trường học các cấp được kiên cố hoá, 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, nâng cao chất lượng tiếp cận các dịch vụ phúc lợi cơ bản của người dân; không còn tình trạng hộ dân tộc thiểu số nghèo cùng cực; không còn hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt mà chưa được hỗ trợ.
Ngoài ra, các vị đại biểu, nhà tài trợ, đối tác còn thảo luận việc tập trung phát triển, khoanh vùng địa lý và khu trú các nhóm đối tượng một cách rõ ràng và cụ thể, can thiệp về mặt chính sách một cách phù hợp và hiệu quả theo vùng và theo nhóm đối tượng; tập trung nguồn nhân lực lấy thôn bản làm trung tâm để tập trung hỗ trợ mạnh các địa bàn khó khăn vùng dân tộc thiểu số; chú trọng hỗ trợ việc làm (bao gồm đi làm ăn xa ngoài địa phương) đối với đồng bào dân tộc thiểu số; cần có các chính sách phát triển nguồn nhân lực và chính sách riêng cho thanh niên dân tộc thiểu số, chú trọng nâng cao kỹ năng sống và hội nhập cho các cháu học sinh.