CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:53

12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số

 

Xuất hiện nhiều mô hình giảm nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số

Ông Võ Văn Bảy cho biết, trong năm qua, giảm nghèo đã đạt được những kết quả quan trọng đặc biệt là vùng DTTS và miền núi nói riêng. Nếu như vào cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước là 6,7% (giảm 1,53% so với 2016). Trong đó, bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3-4%.

Các đại biểu tham dự buổi giao lưu.

 

Đến năm 2018, đã có 8 huyện thoát nghèo trong tổng số 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a; 14 huyện hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1 - 1,3% so với cuối năm 2017, dự kiến, hộ nghèo DTTS so với tổng hộ DTTS giảm 3,06% so với cuối năm 2017.

Nếu ví việc giảm nghèo như “đàn chim đang bay” thì có những tốp đi đầu và top đi sau. Hộ nghèo DTTS năm 2017 là 864.931 hộ, giảm 91.889 hộ so với năm 2016. Có 12 tỉnh đã giảm được trên 4.000 hộ nghèo DTTS trong một năm, bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đác Lắc, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đây là những địa phương rất đại diện cho từng vùng, mang đặc thù riêng. Tại đồng bằng sông Cửu Long, hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh là hai vùng có số lượng đồng bào dân tộc Khmer đông nhất vùng Tây Nam Bộ. Hay như Hà Giang, Tuyên Quang, trước đây cũng từng là những vùng rất khó khăn nhưng hiện cũng đã có được những cách làm hiệu quả giúp người dân giảm nghèo. Những hộ này đã được các bộ, ngành, trong đó có Bộ LĐ-TB&XH cùng Ủy ban Dân tộc vinh danh, biểu dương.

 

Người nghèo đã có ý thức  tự xin ra khỏi danh sách hộ nghèo

Thời gian qua, có nhiều hộ dân tai Quảng Ninh và những địa phương khác viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Qua tiếp xúc với cử tri từ thực tế, ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, đây là điểm rất đáng ghi nhận, đánh giá sự chuyển biến về nhận thức của người dân. “Khi người dân đang ở giai đoạn nghèo cần phải được Nhà nước hỗ trợ. Khi người ta đủ năng lực, đủ điều kiện mà tự nguyện ra khỏi danh sách hộ nghèo là thành công của chương trình giảm nghèo quốc gia. Tôi đánh giá cao những việc làm này vì đó là chuyển biến cao về nhận thức. Điều này rất đáng khen ngợi”, ông Lợi nhấn mạnh.

Trao Bằng khen cho gia đình chị Triệu Tiến Tài, Bắc Giang tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

 

Trước đây, có nhiều gia đình không muốn thoát ra khỏi gia đình nghèo, xã không muốn thoát ra khỏi xã nghèo, huyện không muốn thoát ra khỏi huyện nghèo mà muốn giữ lại danh hiệu này - một danh hiệu không vinh quang gì. Giờ đã chuyển biến nhận thức, khi người dân thấy mình đủ điều kiện, cần có sự chia sẻ hỗ trợ cho những gia đình khác để không ai bị bỏ lại phía sau. Ông Lợi cho rằng: “Đây là bài học và cơ quan thực thi chính sách, như Bộ LĐ-TB&XH, Ủy ban dân tộc phải tuyên truyền, phát huy, cho đây là điểm đáng khen. Từ hình ảnh này, tôi nghĩ nếu người ta tự nguyện ra khỏi hộ nghèo thì mình phải tuyên ngôn tiếp tục hỗ trợ một vài năm hoặc kề vai sát cánh khi có điều kiện gì đó xảy ra để phát huy nhiều tấm gương sáng như vậy”.

Tuy nhiên ông Lợi cũng cho biết, qua giám sát, vẫn thấy một vài hiện tượng mà xã hội vẫn phê phán hoặc đáng buồn như dòng họ, gia đình khi xác nhận hộ nghèo nhưng vẫn xác nhận cho hộ lẽ ra đã thoát nghèo rồi, để người dân thắc mắc. Điều này thể hiện sự không dân chủ, công bằng.

 

Tỷ lệ tái nghèo chỉ 5%

Về tình trạng hộ nghèo tăng trở lại và tình trạng tái nghèo nhanh xuất hiện ở nhiều địa phương, ông Ngô Trường Thi cho rằng, cần nhìn nhận một cách khách quan, tái nghèo và phát sinh nghèo mới luôn là một khía cạnh trong lĩnh vực giảm nghèo, hoặc có những hộ từ trước đến nay chưa từng được nghèo nhưng họ lại rất nghèo. Đó là câu chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, tái nghèo, phát sinh nghèo ở mức độ như thế nào là phù hợp. Nếu như giai đoạn trước tỷ lệ tái nghèo bình quân khoảng 12% trên tổng số hộ thoát nghèo thì giai đoạn này chỉ còn hơn 5%.

Trao tặng bò giống cho hộ nghèo.

 

Hai năm vừa qua thiên tai liên tục xảy ra tại các địa phương như Sơn La, Lạng Sơn nhưng tỷ lệ tái nghèo không lớn, song tỷ lệ phát sinh nghèo lại tương đối lớn gần 23% trên tổng số hộ thoát. Nguyên nhân đối với hộ tái nghèo do thiên tai, rủi ro trong cuộc sống. Nhưng hộ phát sinh nghèo lại nằm rất nhiều ở những khu vực đông dân. Mặc dù tỷ lệ địa bàn này không nhiều nhưng quy mô số hộ nghèo lại lớn và nhu cầu tách hộ là nhu cầu rất bình thường của người dân; do những rủi ro như thảm họa, thiên tai trong cuộc sống, do sản xuất kinh doanh. Đấy là những nguyên nhân chủ yếu. Nhưng thẳng thắn nhìn nhận còn một nguyên nhân nữa, đó là do chủ quan trong công tác quản lý hộ nghèo của địa phương.

Về giải pháp, sau khi có giám sát của Quốc hội, ông Thi cho biết: “Bộ LĐ-TB&XH đã có văn bản chỉ đạo ngay trong năm 2018 này trong việc rà soát cuối năm đó là, đề nghị các địa phương rà soát kỹ những đối tượng hộ nghèo có thành viên là người có công và dứt khoát bằng mọi cách chậm nhất đến cuối năm 2019 cả nước không còn đối tượng này nữa. Chỉ đạo các địa phương phải rà soát và thẩm định kỹ những trường hợp phát sinh nghèo, phải chỉ ra nguyên nhân, chứ không phải cứ rà soát ở dưới và báo cáo lên trên. Đây là một bài học trong quản lý phải thường xuyên có điều tra, có giám sát để hạn chế tình trạng này”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh