Mục tiêu của giáo dục không phải là đuổi học trò
- Giáo dục nghề nghiệp
- 01:34 - 03/11/2018
Ảnh minh họa.
Tịch thu điện thoại và phát hiện việc nói xấu từ điện thoại HS
Ngày 1/10/2018, em Đ.M.T, HS lớp 10A5 sử dụng điện thoại di động trong lớp, bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho giáo viên chủ nhiệm lớp. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị của nhà trường, do điện thoại của em Đ.M.T. không bị khóa, trong lúc trực giám thị, cô Đậu Thị Bích thấy trên màn hình điện thoại này hiện cuộc nói chuyện của nhóm Facebook có tên là "Động Cô Bích" (Bích là tên cô giáo chủ nhiệm) với nội dung nói xấu thầy cô giáo, nhà trường. Tối cùng ngày, sự việc này vẫn tiếp diễn. Đến sáng 2/10, cô Bích báo cáo sự việc với ban nề nếp nhà trường. Nhà trường mời phụ huynh của nhóm HS lớp 10A5 lên để trao đổi và yêu cầu các HS viết tường trình. Ngày 6/10, nhà trường tiếp tục mời phụ huynh HS đến và cung cấp thông tin đăng tải trên nhóm Facebook nêu trên cho phụ huynh HS được biết.
Trường THPT Nguyễn Trãi sau đó thành lập hội đồng xét kỷ luật 7 HS vì có hành vi lập nhóm Facebook nói xấu thầy cô giáo và nhà trường. Trên cơ sở kết quả cuộc họp của hội đồng kỷ luật, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi quyết định kỷ luật 7 HS, trong đó có 3 HS bị đuổi học một năm, 4 HS bị đuổi học một tuần, 1 HS bị cảnh cáo trước toàn trường.
Tuy nhiên, sau đó Giám đốc Sở GT&ĐT Thanh Hóa đã ra thông báo yêu cầu nhà trường thu hồi quyết định kỷ luật đuổi học đối với những HS bị buộc thôi học. "Sau khi có báo cáo sơ bộ từ đoàn công tác về làm việc tại trường trong sáng 1/11, chúng tôi nhận thấy các em HS vi phạm chưa đến mức phải kỉ luật đuổi học 1 năm. Nhà trường đã ban hành quyết định kỉ luật quá nặng, có phần nóng vội, thiếu cẩn trọng mà thiếu tính giáo dục. Sở đã thống nhất chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Trãi thu hồi quyết định kỉ luật đối với 7 HS và thông báo cho các em ngày 2/11 đến trường tiếp tục đi học. Ngoài ra, nhà trường sẽ phải làm báo cáo giải trình, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra việc ban hành quyết định kỉ luật thiếu cân nhắc, không hợp tình, hợp lý", bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết.
Trường THPT Nguyễn Trãi, nơi 7 học sinh bị đuổi học vì nói xấu thầy cô giáo trên facebook.
Nhà trường - môi trường tốt nhất giúp hình thành, rèn luyện nhân cách cho học sinh
Liên quan đến sự việc 7 HS bị kỷ luật vì nói xấu thầy cô trên mạng xã hội ở Thanh Hóa, Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, mục tiêu của giáo dục là để trẻ hiểu việc mình làm là sai, hiểu được đạo lý chứ không phải là đuổi các em HS.
TS. Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, Facebook kín là quyền của HS, chứ không phải chia sẻ công khai. Nhưng chúng ta không dung túng cho HS nói xấu thầy cô, trường học vì nó vi phạm đến đạo lý của ông cha chúng ta - tôn sư trọng đạo. Mặt khác, nguyên tắc nói xấu người khác thì nhân cách của người đó cũng không có gì tốt đẹp, chính vì vậy, nhà trường cần giáo dục cho HS hiểu được điều đó. Thầy cô phải để HS nhận thức được cái sai khâm phục khẩu phục cũng như không để ảnh hưởng đến tâm lý của các HS khác. Đó mới là mục tiêu lớn lao chứ giáo dục của nhà trường không phải đuổi học trò. Ngoài ra, nhà trường có thể kỷ luật để HS hiểu việc mình làm là sai nhưng đuổi học HS là vi phạm quy chế. Vì nhà trường chưa giáo dục đã kỷ luật, chưa kể, để đuổi học HS, nhà trường cần qua hội đồng kỷ luật chứ người hiệu trưởng không được tự ý quyết định. Bên cạnh đó, những gì nhà trường, thầy cô sai cũng cần tự rút kinh nghiệm. HS cũng có quyền phản ánh bức xúc của trẻ với thầy cô, nhà trường.
Theo TS Nguyễn Đức Danh, Trưởng Khoa Khoa học Giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, đuổi học là phương án bất đắc dĩ phải sử dụng khi các hình thức kỷ luật khác như khiển trách, cảnh cáo không còn tác dụng răn đe… Do đó, cần cân nhắc các hình thức khác trước khi quyết định đuổi học chứ không thể tùy tiện. TS Danh cho rằng đối với trẻ, đặc biệt là tuổi mới lớn thích nổi loạn, nhà trường vẫn là môi trường tốt nhất giúp hình thành, rèn luyện nhân cách. "Khi trẻ ở lại trường học thêm một ngày, học được thêm một chữ vẫn tốt hơn ra ngoài xã hội vốn nhiều cạm bẫy. Đặc biệt, những đứa trẻ có những hành vi xấu cần được giữ ở môi trường tốt để được trui rèn, sửa chữa", TS Danh nhận định.