CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:16

Mùa xuân và nụ cười sơn nữ

Bến tắm vùng cao

Tôi cũng từng mê đắm với vẻ đẹp của huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Nơi đây thu hút khá nhiều dân “phượt” về chinh phục những cung đường, những khúc cua tay áo, các đoạn đèo dốc, đỉnh mây… và trải nghiệm cảm giác vừa hít thở trong màn mây vùng cao Sìn Hồ, thì chỉ lát sau, sẽ được miên man với cỏ hoa, con suối vùng thấp Sìn Hồ. Hai vùng cao, thấp rõ rệt, và có những nét riêng đặc thù. Vùng thấp Sìn Hồ có nhiều suối, tạo thành những “bến tắm” độc đáo. Ở đó, các chàng trai, cô gái thường tìm đến khúc suối mát nhất, trữ tình nhất và chọn đó là “bến tắm”. Thiếu nữ dân tộc Thái da trắng, tóc dài, mắt đen, khi lấy chồng thì búi tóc lên đỉnh đầu gọi là “Tằng cẩu”. Thiếu nữ dân tộc Lự có nụ cười hoang dại, mắt đen láy, môi đỏ tươi. Và đặc biệt, con gái Lự ở vùng này ngoài nổi tiếng xinh đẹp, lại rất khéo chiều chồng. Thiếu nữ dân tộc Dao đầy nữ tính. Hay thiếu nữ dân tộc Mông giỏi việc nhà, đảm việc nương rẫy… tất cả đã tạo nên “vùng nhan sắc” Sìn Hồ hấp dẫn.

Empty

Tôi theo em Chẻo Thị Chiên vào một “bến tắm” cách trung tâm xã Nậm Tăm không xa. Con suối hiền hòa, chảy róc rách quanh năm, được điểm trang bởi những viên đá tròn nhẵn. “Bến tắm” của con suối này án ngữ gần với lối về bản, rất thuận tiện khi người dân đi làm nương trở về xuống suối tắm. Đây không chỉ là điểm đến của rất nhiều thiếu nữ, mà các chị trung niên, học sinh thường ghé qua. Vào những đêm trăng sáng, trai, gái rủ nhau ra đây tự tình. Tuổi đôi mươi, Chiên đẹp, nét đẹp đằm thắm, tóc thơm hương rừng. Em tâm sự: “Em đang học trường PTTH Nậm Tăm - ngôi trường trung tâm của vùng thấp này. Nơi đây tụ hội của rất nhiều nữ sinh từ các bản, làng xung quanh. Vào những buổi chiều, rất đông nữ sinh rủ nhau ra suối tắm và thỏa sức chơi đùa…”.

Hỏi chuyện người dân, học sinh phổ thông Sìn Hồ “tắm tiên” dưới suối là bình thường. Bởi họ sống gần gũi với thiên nhiên, nhưng chắc chắn những “bến tắm” ấy phải kín đáo, riêng biệt với nơi tắm của nam giới. Người Thái có tục “tắm tiên” khá kỳ công. Thiếu nữ mặc chiếc áo coóng may sát người giúp khoe tấm lưng thon và vun đầy vòm ngực, giúp khuôn ngực của các cô lúc nào cũng căng tròn gợi cảm. Hình ảnh khiến mỗi gã trai đến Tây Bắc mê mẩn là các thiếu nữ thoải mái lội xuống dòng suối trong vắt, chiếc váy xòe dần được nâng lên theo nhịp bước. Nước dâng lên đến đâu, chiếc váy được vén dần lên đến đó cho đến khi toàn bộ cơ thể đều được dòng suối nhẹ nhàng bao bọc thì váy được cuộn chặt trên đỉnh đầu.

Empty

Nụ cười như đóa hoa rừng

Nụ cười sơn nữ vừa có sức quyến rũ, lại có vẻ hoang hoải của núi rừng, như bông hoa trên núi cao. Nụ cười ấy xua tan những mệt nhọc của cuộc sống và tạo sự lạc quan cho chủ nhân, lan tỏa đến nhiều người. Nụ cười làm sáng cả triền dốc, làm mê mị cả phiên chợ, khiến cả mùa xuân về đậu lại trên khuôn mặt thiếu nữ.

Có lúc tôi đã phải thốt lên vì gặp những thiếu nữ đẹp như hoa rừng, với nụ cười thật tươi xuất hiện ở chợ phiên, trong hội xuân. Thậm chí, xuất hiện ở trên nương, hẻm núi hoặc khuất lấp dưới căn nhà sàn chênh chếch núi. Chẳng thế mà nhiều du khách đã tìm đến, các tay “phượt” lăm lăm máy ảnh chớp hình. Sơn nữ đẹp có sức hút lạ kỳ, dù họ có khép nép, kín kẽ và nhút nhát thế nào thì ở bản, xóm, xã đó cũng có người này mách người kia. Rồi đến tai dân “phượt”, nhà báo, cánh sinh viên vốn hạn hẹp về kinh tế cũng có rất nhiều người hăng hái khám phá vùng cao, “săn” vẻ đẹp sơn nữ. Nhà báo nào đến vùng cao cũng thích chụp ảnh đẹp, đặc biệt là lưu tâm chụp ảnh sơn nữ. Tôi không thể nhớ hết những chuyến đi Tây Bắc và bao nhiêu lần chụp hình sơn nữ. Nụ cười của họ ăm ắp trong máy tính của tôi, trên các trang báo tôi viết. Và, cũng phải khẳng định, chính vẻ đẹp sơn nữ với những nụ cười tỏa sáng của họ đã góp phần làm đẹp các trang báo, kể cả những trang báo xuân. Trong chuyến đi Sa Pa, chúng tôi gồm ba nhà báo, khi vào thăm một bản văn hóa, bất ngờ gặp thiếu nữ ngồi dệt vải có khuôn mặt tuyệt đẹp. Cả ba chúng tôi cùng đưa máy ảnh lên chụp ở những góc khác nhau. Thật vui là năm đó, cả ba tờ báo xuân đều đăng ảnh thiếu nữ đó. Mãi sau này, anh bạn tôi thốt lên: “Cô gái đó có vẻ đẹp và nụ cười thật… bàng hoàng”!

Empty

Nói gì thì nói, thiếu nữ vùng cao dù phải tối mắt tối mũi làm việc cực nhọc; nhiều cô phải lấy chồng sớm và có người chẳng có thời gian ngẩng mặt nhìn trời. Sự vất vả, thiệt thòi ấy đáng được chia sẻ. Họ có biết mình khổ? Tất nhiên là có, nhưng họ lạc quan và cố gắng. Họ không thấy khổ, họ đứng lên cười. Họ thành ông, thành bà, con cái họ là những chàng trai, thiếu nữ, lại tiếp tục dòng chảy của cuộc sống vô định. Người dân tự viết lên bài ca cuộc sống của mình, là văn hóa và con người Tây Bắc.

Khi xuân đến, hoa núi nở thì cũng là lúc các dân tộc vùng Tây Bắc đón năm mới. Họ sẽ đi chơi xuân, tham gia chợ phiên. Các sơn nữ sẽ chuẩn bị những bộ váy đẹp nhất để xuống chợ sắm đồ, đi chơi xuân... Ngoài những bộ trang phục truyền thống độc đáo, đẹp mắt, họ trở nên đẹp hơn với nụ cười tươi tắn.

Rất nhiều người đặt chân đến Tây Bắc đều thấy ngỡ ngàng bởi những nụ cười của sơn nữ. Những nụ cười như “đặc sản” mà người vùng cao thắp lên trong cuộc sống của họ, để những ngày vất vả trôi mau. Để họ đủ sức vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, rồi làm nên những mùa xuân đẹp nơi núi rừng.

Khánh Sơn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh