Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội: Triển khai đồng bộ, hiệu quả cả 3 lĩnh vực
- Pháp luật
- 15:44 - 13/01/2023
Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi dự và phát biểu chỉ đạo.
Tham dự có đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Báo Lao động Xã hội.... (thuộc Bộ LĐ-TB&XH) và Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị.
Khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ
Thay mặt lãnh đạo Cục PCTNXH, Phó Cục trưởng Cao Văn Thành báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ năm 2022. Theo đó, trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 tuy đã được kiềm chế nhưng tình hình kinh tế xã hội có nhiều biến động, ngay từ đầu năm Cục PCTNXH đã tập trung triển khai tổ chức nhiệm vụ theo các chương trình, dự án, đề án giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ phê duyệt; kịp thời đưa ra các giải pháp, biện pháp chỉ đạo phù hợp nhằm tổ chức thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ công tác của ngành.
Kết quả trong 3 lĩnh vực cụ thể như sau:
Công tác phòng, chống mại dâm: theo số liệu báo cáo của 40/63 tỉnh, thành phố, số người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội là 8.522 người, số có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ là 15.792 lượt người (đạt 100% chỉ tiêu).
Trong đó, số được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 734 lượt người. Số được học nghề, tạo việc làm là lượt 55 người; số được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe là lượt 8.625 người; số được cung cấp dục vụ phòng, chống lây nhiễm HIV là lượt 6.378 người.
Công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ: Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 các địa phương đã tiến hành kiểm tra 21.862 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 5.035 cơ sở vi phạm; xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 1.688 cơ sở; phạt tiền 2.901 cơ sở với số tiền phạt 34,4 tỷ đồng; 132 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 16 cơ sở bị rút giấy phép kinh doanh; 298 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.
Tính đến nay, có 42 điểm mô hình được triển khai xây dựng thí điểm hoặc duy trì tại 13 tỉnh, thành phố theo 03 khung mô hình của Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm.
Công tác cai nghiện ma túy: Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy đạt 70% (kế hoạch năm là 76%), bằng 92% kế hoạch. Tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy (CSCNMT) trong tổng số người nghiện được cai nghiện đạt 25% (kế hoạch năm là 40%), bằng 62.5% kế hoạch.
Tính đến ngày 15/12/2022, các CSCNMT công lập trên cả nước đã điều trị, cai nghiện cho 63.253 người, trong đó: Số tiếp nhận mới là 31.010 người; Số chuyển từ năm 2021 sang là 31.812 người, Số tái hòa nhập cộng đồng là 33.886 người.
Hiện, các CSCNMT công lập trên cả nước đang tổ chức cai nghiện cho 29.367 người, trong đó có 23.185 người thuộc diện cai nghiện ma túy bắt buộc theo quyết định áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính của Tòa án (có 45 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người cai nghiện ma túy tự nguyện là 3.603 người (có 93 người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi); số người lưu trú tạm thời trong thời gian xác định tình trạng nghiện và trong thời gian lập hồ sơ là 2.579 người.
Bên cạnh đó, 13 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đã điều trị cho 2.896 người; 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng cho 3.656 người nghiện. Số đơn vị đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng trên cả nước là 93 đơn vị.
Công tác hỗ trợ nạn nhân và tuyên truyền: Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH 63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, số người được tiếp nhận, xác minh là 476 người; 255 người xác định là nạn nhân bị mua bán; 252 nạn nhân có nhu cầu được hỗ trợ (bao gồm cả người trở về từ những năm trước). Trên cơ sở nhu cầu nạn nhân, các cơ quan chức năng đã hỗ trợ: nhu cầu thiết yếu cho 195 nạn nhân, đi lại cho 161 nạn nhân, y tế cho 86 nạn nhân, tâm lý cho 125 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 41 nạn nhân và hỗ trợ khó khăn ban đầu cho 43 nạn nhân theo quy định pháp luật.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, Đường dây nóng tư vấn và hỗ trợ nạn nhân mua bán người (Tổng đài 111) tiếp nhận 1.657 cuộc gọi đề nghị cung cấp thông tin về tình hình mua bán người tại Việt Nam, các vấn đề khác như di cư, xuất khẩu lao động hoặc việc làm và đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân; 522 cuộc gọi đề nghị tư vấn về tâm lý, chính sách, các dịch vụ và hỗ trợ nạn nhân, hỗ trợ tư vấn tìm kiếm nơi tạm lánh,hỗ trợ y tế, pháp lý, tư vấn tâm lý cho nạn nhân và gia đình nạn nhân…
Triển khai đồng bộ, hiệu quả cả 3 lĩnh vực
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được của tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động Cục PCTNXH trong năm 2022.
Chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi yêu cầu Cục PCTNXH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công tác rà soát, ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn phù hợp với tình hình.
Trọng tâm là tổ chức có hiệu quả 4 nhiệm vụ, cụ thể: Triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao ở cả 3 lĩnh vực gồm: Phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân; Tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị trong Bộ và các ngành liên quan; Nâng cao năng lực làm việc của cán bộ, công chức đơn vị; Phối hợp với các tổ chức Quốc tế, các trường đại học để xây dựng chương trình, tài liệu tập huấn đào tạo cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp, tuyến đầu ở cơ sở, nhất là ưu tiên cho công tác cai nghiện và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
“Phải tìm cách làm sáng tạo, nhất là thay đổi tư duy, sớm bắt tay vào công việc từ lãnh đạo đến từng công chức, coi như việc của nhà mình. Cần phân công, phân nhiệm cụ thể, rõ ràng, giao việc cho từng người xây dựng kế hoạch thực hiện, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, công khai, minh bạch. Phải biết lắng nghe, nhiệt huyết tập trung cho công việc. Phấn đấu làm đúng, làm đủ, làm nghiêm túc và làm tốt ”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cục trưởng Đàm Thị Minh Thu thay mặt cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi để hoành thiện kế hoạch công tác năm 2023.
Đồng thời, nhân dịp năm mới, chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, Cục trưởng gửi lời chúc Lãnh đạo Bộ, cá nhân Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, đại biểu của các đơn vị trong Bộ và cơ quan phối hợp cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Cục PCTNXH đón Xuân mới an khang, giành nhiều thắng lợi trong năm 2023.