Mùa thi: Cần lắm những lời động viên, sự chia sẻ và yêu thương
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:31 - 22/05/2023
Theo lịch thi được công bố bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, vỏn vẹn 3 tuần nữa kỳ thi vào lớp 10 sẽ diễn ra và còn khoảng hơn một tháng chuẩn bị để các em học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp quan trọng. Trong thời gian chạy nước rút ngày càng gấp gáp này, điều các con cần nhất sau sự chu cấp đầy đủ về vật chất của cha mẹ chính là sự động viên tinh thần để các con phần nào thấy áp lực trên vai mình nhẹ bớt.
Tâm lý là thứ có thể làm ảnh hưởng đến mọi việc. Một tâm lý thoải mái, nhẹ nhàng nhưng vững chắc bao giờ cũng hoàn thành công việc tốt hơn một tâm lý căng thẳng, lo âu và dễ suy sụp. Vậy nên, các bậc phụ huynh cần để ý đến tâm lý của con trẻ, có những biện pháp giúp con thư giãn và điều quan trọng là không đặt áp lực quá nhiều lên các con.
Phóng viên của Dân Sinh đã gặp gỡ và nghe lời tâm sự của chị Vi Thị Hoa - một người mẹ có hai con đều đang trong thời gian ôn luyện quan trọng cho mùa thi chuyển cấp. Chị chia sẻ: “Là một người mẹ, tất nhiên mình luôn mong điều tốt nhất cho con, muốn con thi đỗ những trường top đầu để con có môi trường học tập tốt nhưng không vì thế mà mình ép buộc con phải thế này phải thế kia. Chị quan niệm học tập là chặng đường dài, người chăm chỉ thì học ở đâu cũng có thể giỏi thế nên càng gần ngày thi, thay vì tạo áp lực nặng nề cho con thì chị càng khích lệ con nhiều hơn để các con vững tin là đằng sau luôn có gia đình hỗ trợ.”
Chị Hoa nói thêm, vì đặc thù công việc của cả hai vợ chồng đều bận rộn, chồng chị phải công tác xa nên việc gia đình chị là người quán xuyến. Mặc dù bận nhưng chị vẫn cố gắng dành thời gian chăm sóc các con tốt nhất.
Bạn Vũ Hiệp, con trai lớn của chị Hoa trả lời rất thoải mái khi được phóng viên hỏi “Mẹ có tạo áp lực cho em không?”. Bạn nói: “Mẹ em chẳng áp đặt hay nặng nề gì với hai anh em cả. Mọi quyết định từ học trường gì, ngành gì, thi khối nào… bọn em đều được tự quyết định. Bố mẹ chỉ cho lời khuyên nếu quyết định của bọn em chưa thực sự tốt nhất. Sự “support” (ủng hộ) của bố mẹ làm bọn em yên tâm ôn luyện hơn rất nhiều.”
Chị Hoa không phải là trường hợp phụ huynh duy nhất hiểu rằng tạo áp lực tâm lý quá nặng nề cho con có thể gây ra phản ứng ngược không mong muốn. Học sinh thời nay đã phải chịu hàng trăm thứ áp lực không chỉ từ học tập mà còn từ bạn bè, môi trường xung quanh. Càng đến ngày thi, bên cạnh áp lực học tập còn phải bận rộn làm hồ sơ, rà soát điểm… vậy nên nếu đến cả gia đình - những người thân yêu nhất cũng không hiểu thì các con sẽ phải chịu sự đè nén rất nhiều.
Nhiều phụ huynh quan niệm “áp lực tạo kim cương” nhưng họ cũng quên mất rằng nếu “áp lực” quá lớn thì đến kim cương cũng bị phá vỡ. Mỗi người có một mức chịu đựng khác nhau vậy nên những người bố, người mẹ không thể nhìn con nhà người khác để áp đặt lên chính con cái của mình.
Vậy nên thay vì bắt con “phải thế này, phải thế kia”, hãy vun đắp không khí gia đình thoải mái, nhẹ nhàng để trẻ cảm nhận được sự ấm áp của tình thân, yên tâm bởi điểm tựa tổ ấm. Phụ huynh đừng trưng ra những lời đe nẹt hay những tiếng cãi cọ khiến không khí căng như sợi dây đàn. Cũng đừng buông vội những tiếng thở dài, những lời phàn nàn khiến tâm trạng trẻ chùng xuống và mất niềm tin vào bản thân.
Ngoài ra, gia đình nên chăm sóc chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con trẻ. Một thể chất khỏe mạnh sẽ giúp trẻ có sức đề kháng tốt, sẵn sàng cho quá trình ôn luyện vất vả.
Cha mẹ trao cho con nụ cười lạc quan, những lời động viên, sự sẻ chia và những cái ôm nhẹ nhàng truyền cho con niềm tin yêu là cách tốt nhất để đồng hành cùng con trong mùa chuyển cấp quan trọng sắp tới.