Mùa thanh trà, chợt nhớ...
- Văn hóa - Giải trí
- 13:11 - 16/09/2015
Thanh trà là giống bưởi đặc biệt ngon ở Huế, được trồng nhiều trên vùng Long Thọ, Thủy Biều. Nhớ lời anh, tôi mua một cùi về trồng và không ngờ chỉ mấy tháng sau, trên những cành nhánh khẳng khiu, hoa thanh trà nở trắng xóa từng chùm, tỏa hương ngào ngạt. Những chùm hoa hẳn đã có sẵn trong "bào thai" từ khi còn ở trên cây mẹ, nay cành mới bị cắt rời đi "ở riêng", chỉ sống dựa vào chùm rễ vừa hình thành, nên tàn rất nhanh và tất nhiên không đậu được quả nào.
Năm sau, vừa qua đợt rét đậm cuối đông, một đêm tôi đang dạo ở sân, bỗng thoảng đến trong làn gió nhẹ hương bưởi thơm nồng. Từ đâu vậy? Không lẽ cây thanh trà mới trồng, lại vừa trải qua mùa nắng hạn gay gắt mà đã có thể ra hoa? Cây trồng nơi "đắc địa", bên lối ra vào, hầu như ngày nào tôi cũng để mắt đến. Nhưng biết đâu tạo hóa có phép màu?
Sáng hôm sau, tôi hồi hộp bước nhanh tới bên cây thanh trà thì vẫn chỉ thấy mấy chùm lá trên cành khẳng khiu. Nhưng khi tôi vừa bước chân ra vườn, hương bưởi lại thoảng đến, rất gần, khiến tôi đưa mắt nhìn lên. Trời! Thì ra chính cây bưởi tự mọc ở góc vườn nhà tôi đã ra hoa! Cây bưởi bấy lâu hầu như bị bỏ quên vì không rõ "lí lịch", xuất xứ, biết đâu là loại bưởi chua loét, rồi sẽ phải chặt bỏ; hơn nữa, mấy thứ cây xung quanh đáng chú ý hơn - cây mãng cầu đã cho quả và cây sapôchê "rất kinh tế" như thiên hạ vẫn đồn!
Thú vị và sững sờ, tôi ngắm chùm hoa bưởi nở trắng khoe nhị vàng ẩn dưới những tàn lá rậm rạp, xanh sẫm đầy nhựa sống. Vậy mà đã có lần, suýt nữa tôi vung dao chặt nó. Ờ, biết đâu chính nó mọc lên từ hạt thanh trà hoặc là hạt bưởi Phúc Trạch nổi tiếng ở Hà Tĩnh mà tôi đã mua về ăn? Mỗi giống bưởi một vị riêng, khi "di cư" đến chỗ mới ít nhiều cũng biến đổi. Chỉ hương hoa bưởi muôn đời vẫn vậy. Đó là quà tặng vô giá, vô hình của tạo hóa, không dành riêng cho dòng giống nào.Tôi “căng” mũi, cứ nghĩ là sẽ ngất ngây với hương bưởi nồng nàn. Vậy mà lạ thay, hoa bưởi vẫn đó, nhưng hương bưởi thì đã trốn đâu rồi? Chẳng lẽ tạo hóa không muốn ban tặng của quý cho con người, khi họ chỉ nhăm nhe chiếm hữu?...
Rồi mấy tháng qua. Theo quy luật tự nhiên, hoa kết thành trái, lớn dần. Phải nói là tôi hồi hộp, không biết hoa thơm nhưng trái có ngon lành không? Và Trung thu đến, vừa đúng mùa bưởi chín. Tôi chọn quả vàng hươm trên ngọn, thận trọng và như rụt rè gọt lớp vỏ ngoài. Phía trong lớp mu dày trắng tinh mềm mại là những múi tròn căng xếp khít bên nhau, không được ngon như thanh trà hay bưởi Phúc Trạch, nhưng cũng mọng nước, vị chua vừa phải, đủ “tiêu chuẩn” làm món tráng miệng hay để giải khát.
Đã đành là nếu nói đến "kinh tế vườn" thì không ai trông chờ những giống cây tự mọc. Ít năm sau đó, tôi trồng thêm mấy cây thanh trà và đã được hưởng những mùa quả ngon. Quả đúng như khoa học đã chứng minh, cây trái - cũng như con người - yếu tố gien là rất quan trọng. Tất nhiên, trong quá trình phát triển, sinh nở, một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém là môi trường, “thể chế”. Do đó, quả thanh trà trong vườn nhà tôi hình như không ngon bằng cây trồng nơi “quê gốc” của nó là xã Thủy Biều, vùng đất đối diện với chùa Thiên Mụ, sát bên dòng Hương Giang.
Mùa Trung thu đang đến. Những quả thanh trà vàng hươm đang bày bán khắp các ngả đường thành phố Huế và lên tàu xe làm món quà đặc sản của vùng đất Cố Đô tặng bạn bè ở xa. Sau bữa ăn tối, gọt quả thanh trà làm món tráng miệng, nhìn lớp mu bóc ra như đóa hoa trắng xòe nở trên bàn, chợt nghe tiếng trống tập dượt của tốp múa lân “tùng cắc tùng” mở màn mùa Trung thu, tôi bỗng nghĩ đến quả bưởi ở góc vườn năm xưa và liên tưởng đến những em bé vô gia cư, không rõ dòng giống nào đang lang thang trên các nẻo đường hè phố. Biết đâu trong đó có các em, nếu được học hành tử tế, rồi sẽ trở thành những nhân tài của đất nước ?...