CHỦ NHẬT, NGÀY 24 THÁNG 11 NĂM 2024 09:43

Đa cấp lan tới nông nghiệp

Vẫn với "chiêu" quen thuộc là dễ dàng trở thành tỉ phú để lôi kéo người tham gia, kinh doanh phân bón đa cấp đang bành trướng rất nhanh và không ít người đã sập bẫy.

Sản phẩm của RVĐV đã đến nhiều vùng nông thôn khắp mọi miền đất nước - Ảnh: Chí Nhân

“Mua phân được tri ân tiền tỉ”

“Anh thông cảm, đây là văn phòng công ty em mới mở, chưa kịp set-up gì hết nên còn khá bề bộn”, L.M.Trí, tự xưng là giám đốc (GĐ) kinh doanh trực tuyến của Công ty cổ phần kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng Vàng Đất Việt DC (RVĐV), kinh doanh phân bón theo hình thức đa cấp, phân bua khi chúng tôi bước vào căn phòng (P12) của Trường trung cấp nghề Nhân đạo - cơ sở 2, trên đường Lê Văn Sĩ, Q.3 (TP.HCM).

Không nói gì nhiều về công ty và tính năng của sản phẩm, Trí đi ngay vào các gói sản phẩm và chế độ đãi ngộ. Theo lời Trí, RVĐV có 4 gói sản phẩm là RV1, RV5, RV10, RV21 (RV - Rồng Vàng). Gói RV1 trị giá 5,6 triệu đồng, lượng hàng nhận được là 7 chai loại 1 lít phân bón sinh học công nghệ Israel. "Nhưng nếu không thích lấy phân bón, anh có thể lấy gạo sạch về ăn, tương đương 70 kg gạo, được tặng thêm 2 kg", Trí nói tỉnh bơ và cho biết với gói sản phẩm này khách hàng phải đóng thêm 200.000 đồng để mở tài khoản ở công ty. Lợi ích của gói này, theo Trí, khách hàng sẽ nhận được tiền tri ân từ RVĐV với số tiền lên đến 25,4 triệu đồng. “Khi công ty mới mở, với chính sách khuyến mãi rất lớn để thu hút khách hàng, gói RV1 này được tiền tri ân lên tới 409 triệu đồng (12 tầng), giờ chính sách đó không còn nên tiền tri ân chỉ còn 25,4 triệu đồng (7 tầng). Vậy nên anh tranh thủ mua sớm nếu không có thể số tiền tri ân sẽ còn giảm”, Trí thúc giục.

Công ty RVĐV chọn trường dạy nghề ở Q.3 làm “tổng hành dinh” - Ảnh: Chí Nhân

Trong khi đó, RV21 là gói sản phẩm cao nhất của công ty với giá 117 triệu đồng, khách hàng nhận được 147 lít phân bón hoặc 1,47 tấn gạo, tiền tri ân trên 6 tỉ đồng và nhiều lợi ích rất lớn khác từ việc phát triển mạng lưới. Cụ thể, khi giới thiệu một người mua sản phẩm sẽ được hưởng hoa hồng thêm 10% số tiền mà họ bỏ ra mua hàng. Nếu giới thiệu được 2 người, sẽ tiếp tục được hưởng lợi thêm 10% nữa và còn được cộng thêm 8% hoa hồng “cân cặp” từ 2 người này. Như vậy, khi giới thiệu một người chỉ được 10%, còn 2 người thì tổng cộng lên đến 28% hoa hồng.

Khi chúng tôi hỏi lấy gì để chứng minh phân bón sạch, gạo sạch, Trí phân bua chỉ phụ trách mảng kinh doanh chứ không phải kỹ sư nông nghiệp nên không thể giải thích được. "Nhưng em đã bố trí cho hai anh một cuộc gặp tổng giám đốc của em vào ngày mốt tại cuộc hội thảo. Lúc đó tổng giám đốc sẽ giới thiệu trực tiếp với các anh", Trí cam kết.

Kệ trưng bày sản phẩm tại văn phòng công ty ở Q.3 - Ảnh: Chí Nhân

 

Ảnh: Chí Nhân

Uống... phân bón vì sạch

"Khi chúng ta đi chợ mua một trái mướp, dĩ nhiên là họ sử dụng phân bón hóa học nên trái mướp nấu ra có đến nửa tô nước. Còn trái mướp mà dùng phân sạch sinh học của chúng tôi nấu ra màu y như mật ong, keo như mật ong. Tương tự, giống lúa 5451 của chúng tôi dùng phân sinh học làm ra gạo sạch, nấu thành cơm rất thơm và khi chúng ta ăn vào hạt cơm dẻo, ngọt có cảm giác như gạo được nấu với nước dừa… Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ nhận ra", đó là đoạn nội dung thuyết trình của ông Nguyễn Văn Tâm, người được giới thiệu là Tổng giám đốc của RVĐV, trong buổi hội thảo 2 ngày sau đó tại công ty.

Nhưng kinh khủng hơn là để chứng minh phân bón của công ty mình sạch, ông Tâm và ông Đỗ Văn Long, được giới thiệu là GĐ phụ trách đào tạo của RVĐV, còn biểu diễn “tuyệt chiêu” hòa phân bón vào nước để... uống. “Trong 3 năm em đi thị trường uống rất là nhiều để chứng minh là phân sạch”, TGĐ Tâm nói trước khi uống và chỉ vào GĐ Long “em uống nó hằng ngày suốt mấy năm qua". Theo TGĐ Tâm, công ty chỉ mới ra đời vỏn vẹn có 6 tháng mà hiện tại có trên 100 phó GĐ vùng. Để làm được phó GĐ vùng chỉ cần phát triển hệ thống bên dưới đạt mức doanh số trên 1 tỉ đồng. Ngoài các khoản tri ân, phó GĐ vùng được thưởng tiền mặt 50 triệu đồng, 1 bộ đồ vest trị giá 3 triệu đồng, 3 triệu “lương cứng” trong 6 tháng. Tổng tất cả các khoản thu nhập là trên 200 triệu.

Trước thắc mắc của nhiều người về khoản lợi ích quá lớn này, TGĐ Tâm hùng hồn giải thích: “Chúng tôi không tốn chi phí cho các khâu trung gian, không tốn tiền quảng cáo. Chúng tôi lấy tiền đó chia trực tiếp cho nhà phân phối là các anh chị. Vì vậy, các anh chị có thể chỉ bỏ ra 10 triệu, 20 triệu mà vẫn có thể thu nhập vài tỉ đồng là chuyện hết sức bình thường". Để những người tham gia yên tâm, ông Tâm thuyết phục: "Nếu chúng ta vừa làm sinh viên, vừa làm nhân viên công ty, chúng ta có thể mua phân bón của công ty rồi đưa cho bà con nông dân thân quen sử dụng là chúng ta đã lấy lại được vốn, gốc mà chúng ta lại có tài khoản cả tỉ đồng ở công ty. Nếu lỡ công ty có phá sản thì chúng ta có mất gì? Chúng ta không mất gì cả vì chúng ta đã bán lại cho bà con nông dân rồi. Đã thu hồi vốn rồi".

 

Giá cao ngất ngưởng, chất lượng lè tè

Theo công bố trên các trang web của RVĐV, giá 1 chai phân bón lá FACORV 1.000 ml là 800.000 đồng. Giá này trùng khớp với giá thành tính theo các gói sản phẩm của Công ty RVĐV giới thiệu (5,6 triệu đồng/gói RV1/7 lít phân). Trong khi giá các loại phân bón lá trên thị trường trung bình từ 50.000 - 60.000 đồng và cao nhất chỉ 75.000 đồng/lít. Như vậy, giá phân bón mà Công ty RVĐV đưa ra cao hơn 10 - 12 lần so với giá nhiều loại phân trên thị trường.

Còn chất lượng, theo người của RVĐV thì: “Phân bón sinh học và men sinh học FACORV RVĐV được sản xuất theo công nghệ từ Israel, cộng với nguyên liệu nhập từ Đức và Anh. Sau hơn hai năm thử nghiệm thành công, thương hiệu FACORV của RVĐV đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận độc quyền, được Bộ Nông nghiệp, Bộ Công an và Bộ Công thương đồng chấp thuận cho phép lưu hành tại thị trường VN”. Tuy nhiên, đây lại là sản phẩm của Công ty TNHH quốc tế Bình Sinh (Công ty Bình Sinh) ở Q.Tân Bình, TP.HCM. Công ty RVĐV chỉ là nhà phân phối độc quyền cho Công ty Bình Sinh.

Mang sản phẩm phân bón RVĐV cho một chủ đại lý phân bón lâu năm, vị này phân tích: Đối với phân bón lá dạng nước dễ sản xuất hơn dạng bột vì không phải tốn chi phí để sấy khô sản phẩm. Sản phẩm phân bón gốc của RVĐV có tỷ lệ Kbo 0,2%, trong khi những sản phẩn phân bón cùng loại trên thị trường có tỷ lệ chất KBo khoảng 2 - 3%. Nguyên nhân là chất này phải nhập khẩu và rất đắt tiền. Tỷ lệ Te của phân bón lá của RVĐV nhỏ hơn 1% và thấp hơn rất nhiều so với các sản phẩm cùng loại. Kbo và Te là chất dẫn hay chất xúc tác giúp cây dễ hấp thụ các chất dinh dưỡng khác trong phân bón. “Sự chênh lệch quá lớn về giá chính là khoản tiền mà RVĐV trả lại một phần cho người mua hàng dưới danh nghĩa tri ân khách hàng để lôi kéo người tham gia”, vị này nói.

 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh