Hậu quả khủng khiếp
Thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, mưa lũ đã làm 54 người chết (Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Hòa Bình 17 người, Thanh Hóa 14 người, Nghệ An 9 người và Hà Nội 2 người); 39 người còn mất tích (Sơn La 2 người, Yên Bái 16 người, Hòa Bình 15 người, Thanh Hóa 5 người, Quảng Trị 1 người), và hàng chục người bị thương.
Hiện trường vụ sạt lở khiến 18 người bị vùi lấp ở Hòa Bình
Đến nay, số nhà bị ngập, sập gần 31.000 nhà, trong đó nặng nhất là Thanh Hoá trên 16.000 nhà, Hà Nam gần 8.700 nhà, Hà Tĩnh gần 2.100 nhà, Yên Bái trên 1.700 nhà. Đến nay, số nhà phải di dời khẩn cấp khỏi nơi nguy hiểm gần 2.000 nhà. Về sản xuất nông nghiệp, hiện gần 23.000 ha lúa bị ngập, thiệt hại gần 30.000 ha màu và trên 16.300 ha cây lâu năm, cây ăn quả bị thiệt hại. Các địa phương bị nặng là Hoà Bình, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hoá, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Nội… Mưa lũ cũng cuốn trôi gần 6.000 gia súc, gần 175.000 gia cầm.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, mực nước lũ đã vượt mức lịch sử năm 1985, mực nước lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế đạt đỉnh: 5,53m vào 6h ngày 12/10 (trên BĐ3: 1,53m, trên mực nước lũ lịch sử năm 1985: 0,29m). Trên sông Thao tại Yên Bái đạt đỉnh: 32,39m (trên BĐ3: 0,39m) vào 24h ngày 11/10. Mực nước hạ lưu sông Hồng đang lên nhanh, ngập úng ở vùng trũng thấp ven sông thuộc tỉnh Ninh Bình. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3...
Bão số 11 đã vào Biển Đông, miền Trung nguy cơ lũ chồng lũ
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 13/10, bão Khanun đã vượt qua phía Bắc đảo Lu-dông (Philippines) và đi vào Biển Đông. Đây là cơn bão số 11 hoạt động ở khu vực trong năm nay. Đến 7 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 540km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 13. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, sau tăng lên cấp 9-10, giật cấp 13. Biển động rất mạnh. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng15km và còn có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 15/10, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 220km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. Dự báo trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Theo đánh giá của cơ quan khí tượng, bão sẽ đổ bộ đất liền các tỉnh từ Nghệ An-Quảng Trị. Đặc biệt, thời điểm bão vào sẽ kết hợp với không khí lạnh gây đợt mưa to đến rất to cho các tỉnh Bắc Trung Bộ, lượng mưa phổ biển 150-200mm.
|
Nhiều địa phương đang gồng mình chống lũ, khắc phục hậu quả
Tại tỉnh Hòa Bình, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, tính đến ngày 13/10, toàn tỉnh có tổng số 41 người chết, mất tích và bị thương do mưa lũ, sạt lở đất; trong đó 32 người chết, mất tích (đã tìm thấy 17 thi thể nạn nhân), 9 người bị thương. Toàn tỉnh Hòa Bình đã cứu hộ và di dời 990 hộ dân đến nơi an toàn; 100% diện tích lúa, hoa màu đều bị ảnh hưởng; khoảng 540 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị lũ cuốn trôi, nhiều tuyến đường bị sạt lở, ngập úng cục bộ; nhiều công trình hạ tầng, thủy lợi bị hư hỏng nặng, lực lượng chức năng đang tiếp tục rà soát, thống kê.
Lực lượng bộ đội, công an cùng người dân đang gồng mình khắc phục sự cố sạt lở đê ở Thanh Hóa
Hiện hàng trăm cán bộ chiến sĩ công an, quân đội, dân quân tự vệ, dự bị động viên, cùng các phương tiện máy móc đã được huy động để tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra vào 1h sáng (12/10) khiến 18 người và 7 nhà sàn tại xóm Khanh, xã Phú Cường (Tân Lạc, Hòa Bình) đã bị vùi lấp. Hiện tại mới tìm thấy 10 thi thể.
Hàng nghìn con lợn bị chết do lũ ở huyện Yên Định, Thanh Hóa
Tại tỉnh Ninh Bình, do tình hình mưa lũ phức tạp, để đảm bảo an toàn về người và tài sản, trướcđó tối 11/10, tỉnh Ninh Bình đã phát lệnh di dân khẩn cấp. Theo đó, 200.000 dân thuộc 12 xã của 2 huyện Gia Viễn và Nho Quan nằm trong vùng ảnh hưởng của tràn Lạc Khoái (xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn) phải di dời gấp trong đêm. Lực lượng bộ đội và các cơ quan chức năng địa phương được huy động tối đa để giúp dân di dời khỏi vùng sẽ xả lũ. Trước diễn biến mưa lũ phức tạp tại Ninh Bình, sáng ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tạm hoãn chương trình tiếp xúc cử tri tại Hải Phòng, di chuyển tới tỉnh Ninh Bình để thị sát, chỉ đạo việc gia cố, ứng phó mưa lũ và bảo vệ đê Hoàng Long.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh không chủ quan, bảo vệ các loại cây trồng phục vụ Tết Nguyên đán, triển khai công tác phòng chống lũ theo cấp báo động đã được phê duyệt, tập trung tổ chức lực lượng tuần tra canh gác để phát hiện kịp thời các sự cố về đê điều, hồ đập trên địa bàn đặc biệt quan tâm các điểm xung yếu.
Sự cố vỡ đê Bùi 2 thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ
Ngay tại thủ đô Hà Nội, sáng ngày 12/10, do mưa dài ngày khiến hệ thống đê Bùi 2 thuộc xã Hoàng Văn Thụ và xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị vỡ khiến hàng trăm hộ gia đình bị ngập nước và ảnh hưởng. Theo thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tại Hà Nội các tuyến đê dưới cấp III đã bị tràn 11 đoạn với tổng chiều dài khoảng 13.950m tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai và vỡ đê sông Bùi 2 tại huyện Chương Mỹ (bao ngăn lũ núi) dài 15m. Rất may, không có thiệt hại về người, tuy nhiên sự cố vỡ đê ở chương Mỹ đã gây thiệt hại về hoa màu là rất nặng nề. Để đảm bảo nhu cầu cấp thiết của người dân, các lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán người dân ra địa điểm an an toàn, một số gia đình ở lại thì di chuyển từ thấp lên cao.
Tại Nghệ An, do nước lũ tại sông Vinh đang dâng cao khiến nhiều điểm xung yếu trên tuyến đê bảo vệ TP Vinh bị vỡ. 50m đê sông Vinh tại khối Tân Phượng (phường Vinh Tân, TP Vinh) xảy ra sạt lở. Sáng ngày 13/10, mực nước tiếp tục dâng cao thêm 1m, trước nguy cơ vỡ đê, ngoài công tác hộ đê, TP Vinh đã chỉ đạo hàng trăm cán bộ, chiến sỹ Công an TP Vinh khẩn cấp sơ tán tài sản cho người dân.
Tại Yên Bái, đợt mưa lớn vừa qua đã khiến 8/9 huyện, thị xã, thành phố bị ảnh hưởng gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản, trong đó nặng nhất là 3 huyện Trạm Tấu, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Tính đến ngày 13/10 đã có 6 người chết, 16 người mất tích, 7 người bị thương; 1.251 nhà bị ảnh hưởng, trong đó có 73 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; hệ thống giao thông bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở, nhiều tuyến đường bị chia cắt; 6.000m kè chống lũ bị sạt lở; cơ sở hạ tầng điện, thông tin liên lạc cùng nhiều công trình của Nhà nước và nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; nhiều diện tích lúa, hoa màu, sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại... Ước tính thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do mưa lũ gây ra tại tỉnh Yên Bái, sáng ngày 13/10, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trực tiếp thị sát hiện trường các khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất, thăm hỏi, động viên các gia đình bị ảnh hưởng do mưa lũ, trực tiếp chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn - tỉnh Yên Bái.
Thay mặt Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao nỗ lực của chính quyền và người dân tỉnh Yên Bái trong công tác khắc phục hậu quả mưa lũ. Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền địa phương chủ động trước tình hình thiên tai phức tạp, cần theo dõi sát sao tình hình để có những giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt đề phòng nguy cơ sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Di dời dân những nơi dân có nguy cơ bị sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản. Lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác tập trung tìm kiếm người bị mất tích, phải nỗ lực cao nhất, cần thiết huy động thêm lực lượng. Chính quyền các địa phương tổ chức hỗ trợ nhân dân, dựng lại nhà cửa, ổn định đời sống không để hộ nào đói. Lực lượng y tế cần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân sau lũ, làm tốt việc vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Lực lượng công an đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, nhất là các khu vực nguy hiểm.