Thanh Hóa: Tràn đê sông Bưởi, 13 người chết và mất tích vì mưa lũ
- Tây Y
- 04:12 - 12/10/2017
Đến 17h ngày 11/10, theo ghi nhận tại Thanh Hóa, có 13 người chết và mất tích. Huyện Thường Xuân có 3 người chết, 2 người mất tích; huyện Nông Cống có 1 người chết; TP Thanh Hóa 2 người chết; huyện Bá Thước 1 người chết, huyện Quan Sơn 1 người mất tích, Lang Chánh 2 người và TP Sầm Sơn 1 người.
Người dân xã Thạch Định, huyện Thạch Thành di chuyển đồ đạc tránh lũ
Tại huyện Nông Cống, mưa lớn cùng với việc xả lũ hồ Yên Mỹ, hồ sông Mực những ngày qua đã gây ngập úng tại một số địa phương trên địa bàn huyện, đặc biệt là 3 thôn: Bòng Sơn, Kén Thôn và Cát Lễ tại xã Tượng Sơn. Cụ thể, mưa lớn cùng với việc xả lũ đã làm cho 412 hộ dân bị ngập. Tại xã Tế Nông, mưa lớn cùng với việc nước sông dâng cao đã khiến một đoạn đê bối (đê đắp vòng hai đầu nối với đê chính) của sông Hoàng bị vỡ với chiều dài khoảng 5m, khiến nhà của hơn 100 hộ dân ở thuộc xã này bị ngập trong nước. Đến chiều 11/10 toàn huyện có 2.542 hộ bị ngập sâu trong nước
Vào khoảng từ 6-7h sáng 11/10, thị trấn Cành Nàng huyện Bá Thước bị ngập nặng, mực nước đạt đỉnh cao nhất trên 1m. Giao thông trên địa bàn này cũng bị chia cắt tại một số điểm, đặc biệt là khu vực cầu Mùn bị ngập sâu, các phương tiện giao thông không thể qua khu vực này. Ngoài khu vực thị trấn Cành Nàng, nước lũ dâng cao cũng gây ra tình trạng ngập lụt gây chia cắt giao thông nghiêm trọng tại các xã như Điền Lư, Ban Công, Hạ Trung, Lâm Xa, Tân Lập…
Trong đó, do một loạt cầu tràn bị ngập sâu trong nước, giao thông ra – vào xã bị chia cắt, xã Hạ Trung đã bị cô lập hoàn toàn từ đêm 10/10 cho tới sáng 11/10. UBND xã Hạ Trung đã cử lực lượng canh gác tại các điểm giao thông xung yếu bị ngập nước, ngăn không cho các phương tiện giao thông và người dân qua khu vực nguy hiểm này. Hàng chục thôn, làng thuộc các xã bị chia cắt, cô lập do nước ngập sâu cục bộ tại các tuyến tỉnh lộ, đường liên xã.
Ngập lụt tại cầu Mùn, huyện Bá Thước
Tại huyện Thường Xuân ra nước sông dâng cao cùng với hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đạt xả lũ khiến 1 cầu treo trên địa bàn bị cuốn trôi, nhiều thôn, xã bị cô lập do đường sá bị sạt lở, ngập nước…
Tại huyện Lang Chánh, lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa vẫn đang huy động lực lượng tìm kiếm 2 chiến sĩ biên phòng bị lũ cuốn mất tích vào chiều tối ngày 10/10 là thượng tá Cao Đăng Cường, Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn Biên phòng Yên Khương, cùng đại úy Nguyễn Thành Chủng, Đội trưởng Đội tổng hợp Đồn Biên phòng Yên Khương.
Ngoài ra, mưa lớn cùng với việc nước lũ đổ về từ các sông suối đã khiến nhiều hộ dân trên địa bàn các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân, Như Thanh, Cẩm Thủy, Quan Hóa, Mường Lát… bị ngập trong nước, nhiều điểm giao thông bị sạt lở, ách tắc, giao thông đi lại khó khăn.
Các lực lượng hỗ trợ di chuyển tài sản cho người dân
Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa cho biết, mưa lớn cùng với việc các hồ thủy lợi, thủy điện đẩy xả lũ đã khiến hệ thống lũ từ các sông Chu, sông Mã, sông Bưởi... đang lên rất nhanh. Theo trung tâm dự báo, sáng mai (12/10), lũ trên sông Mã ở mức tương đương 2 trận lũ lịch sử năm 1980 và 2007 gây ngập lụt nghiêm trọng tại Thanh Hóa.
Chiều 11/10 hầu hết lũ trên các sông lớn tại Thanh Hóa trên mức báo động II. Vào 15h ngày 11.10, sông Bưởi qua địa phận huyện Thạch Thành tại trạm thủy văn Kim Tân vượt mức báo động III là 0,05m. Đến chiều 11/10 toàn huyện Thạch Thành có 23/27 xã, thị trấn có hộ dân vùng trũng thấp, ngoài đê, vùng có nguy cơ sạt lở đã tiến hành sơ tán đến nơi an toàn với tổng số 2.865 hộ.
Nước lũ tràn qua đê sông Bưởi tại khu vực cầu Kim Tân đi các xã Thạch Định, Thạch Bình...
Các lực lượng chức năng lập chốt ngăn người và phương tiện qua khu vực tràn đê
Khoảng 18h30 nước lũ từ thượng nguồn đổ về lớn đã bắt đầu tràn qua gần 2km đê sông Bưởi thuộc địa phận các xã Thạch Định, Thạch Bình huyện Thạch Thành. Hiện tại tuyến đường từ thị trấn Kim Tân qua cầu Kim Tân đi các xã Thạch Định, Thạch Bình, Thạch Tân đã được các lực lượng chức năng phong tỏa. Gần 1.000 họ dân các xã Thạch Định, Thạch Bình, Thạch Tân cũng đã được di chuyển đến vị trí an toàn.
Hiện tại, các cấp, các ngành tỉnh Thanh Hóa đang tích cực huy động phương tiện, nguồn lực, đồng thời chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chủ động ứng phó với lũ lụt, di dời dân tại các vùng sạt lở, ngập úng, có nguy cơ cao đến nơi an toàn, bảo vệ người và di chuyển tài sản, đồng thời lên phương án hỗ trợ đời sống người dân, cấp phát lương thực cho bà con trong những ngày sắp tới.
Theo bản tin phát lúc 17h ngày 11/10 của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, lũ trên các sông ở Thanh Hóa đang lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An, đang lên; các sông ở Hà Tĩnh đang xuống. Mực nước lúc 16h/11/10 trên các sông như sau: sông Bưởi (Thanh Hóa) tại Kim Tân 12,23m, trên BĐ3 0,23m; sông Mã (Thanh Hóa) tại Cẩm Thủy 21,05m, trên BĐ3 0,85m, tại Lý Nhân 10,99m, ở mức BĐ2, tại Giàng 6,38m, dưới BĐ3 0,12m; sông Chu (Thanh Hóa) tại Bái Thượng 20,59m, trên BĐ3 2,59m; tại Xuân Khánh 11,53m, dưới BĐ3 0,47m; sông Cả (Nghệ An) tại Nam Đàn 5,88m, trên BĐ1 0,48m; sông Ngàn Sâu (Hà Tĩnh) tại Chu Lễ 11,82m, dưới BĐ2 0,18m; tại Hòa Duyệt: 8,57m, dưới BĐ2 0,43m; sông La (Hà Tĩnh) tại Linh Cảm 4,32m, dưới BĐ1 0,18m. Dự báo lũ Trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên, các sông ở Hà Tĩnh tiếp tục xuống. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: - Sông Bưởi tại Kim Tân ở mức 13,0m, trên BĐ3 1,0m; - Sông Mã tại Lý Nhân ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m, tại Giàng ở mức 7,3m, trên BĐ3 0,8m; - Sông Chu tại Xuân Khánh ở mức 12,5m, trên BĐ3 0,5m; - Sông Cả tại Nam Đàn ở mức 6,3m, dưới BĐ2 0,6m; - Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ ở mức 11,0m, trên BĐ1 0,5m, Hòa Duyệt ở mức 8,0m, trên BĐ1 0,5m; - Sông La tại Linh Cảm ở mức 4,0m, dưới BĐ1 0,5m. Trong 12-24 giờ tiếp theo, lũ trên các sông ở Thanh Hóa tiếp tục lên rất nhanh, các sông ở Nghệ An tiếp tục lên. Mực nước trên các sông có khả năng như sau: - Sông Mã tại Giàng lên mức 7,5m, trên BĐ3 1,0m (tương đương lũ lịch sử năm 1980); - Sông Cả tại Nam Đàn lên mức 6,7m, dưới BĐ2 0,2m. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt ở các huyện: Thanh Hóa: huyện Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Như Xuân, Như Thanh, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân; Nghệ An: huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong, Quỳ Hợp; Hà Tĩnh: huyện Hương Sơn, Vụ Quang, Hương Khê, Đức Thọ. Tình trạng ngập lụt sâu diện rộng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Ngập úng ở các khu đô thị, các thành phố lớn có khả năng xảy ra như: TP Thanh Hóa, TP.Vinh (Nghệ An), thị xã Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh (Hà Tĩnh). Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3. |
Báo Dân Sinh sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mới nhất đến bạn đọc.