THỨ HAI, NGÀY 25 THÁNG 11 NĂM 2024 09:49

Mua bán dữ liệu của thí sinh

 

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2016 tại TP.HCM. ẢNH: Đ.N.T

Người này tiếp thị giá dữ liệu của mỗi tỉnh (khoảng vài chục ngàn TS) dao động từ 5 - 8 triệu đồng, tùy thuộc vào mua nhiều hay mua ít. Sau khi thương lượng, người này đồng ý bán thông tin của TS 3 tỉnh thành gồm TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu cho trung tâm với mức giá 20 triệu.

Người phụ trách truyền thông của Văn phòng Đào tạo quốc tế Trường ĐH B. cho biết: “Mọi năm chúng tôi cũng có xin được dữ liệu ở một số nơi nhưng hiệu quả không nhiều lắm. Chúng tôi vừa trao đổi với một người bán thì họ nói giá của khu vực TP.Hồ Chí Minh là 15 triệu, Bà Rịa-Vũng Tàu 8 triệu”.

Trên thực tế, vài năm trở lại đây, có rất nhiều đơn vị đã được chào bán dữ liệu của TS như thế. Đây thực sự là nhu cầu của nhiều cơ sở đào tạo trong thời buổi kiếm tìm người học vô cùng khó khăn.

Người viết bài liên lạc với số điện thoại của người bán. Người đàn ông tự nhận mình là giáo viên của một trường THPT tại Bình Định, rồi bắt đầu tiếp thị: “Hiện chúng tôi có dữ liệu của toàn bộ TS TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh nam Trung bộ, Tây nguyên. Chị mua nhiều thì giảm giá chỉ còn 5 triệu đồng/tỉnh, mua 2, 3 tỉnh thì giá là 7, 8 triệu đồng/tỉnh. Chị sẽ được trích 10% tiền hoa hồng. Nếu đồng ý mua, chúng tôi sẽ chuyển dữ liệu trước, sau đó chị mới chuyển khoản sau”. Người này nói thêm: “Chúng tôi có cộng tác viên từ rất nhiều trường THPT ở nhiều tỉnh thành, thông tin chủ yếu lấy từ đây. Một số ít lấy từ sở GD&ĐT. Hằng năm cứ vào khoảng trung tuần tháng 5 là có rồi, đều là thông tin thực nên chị cứ an tâm. Số tiền đó chỉ bằng học phí của một, hai người, trong khi nếu biết cách làm, chị có thể thu về gấp chục, trăm lần như thế”.

Thạc sĩ Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.Hồ Chí Minh cho biết, các cụm thi không có đầy đủ thông tin cá nhân của TS như số điện thoại, địa chỉ nhà, email, mà chỉ có tên, ngày sinh, số báo danh… Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí - Công nghệ thông tin, Sở GD&ĐT Tây Ninh, cho rằng sau khi nhập xong dữ liệu TS, phần mềm của Bộ khóa lại nên Sở cũng không nắm hết. Theo ông Thanh, nguồn dữ liệu này nhiều khả năng có được từ những cán bộ trực tiếp nhập dữ liệu hoặc truy cập được vào dữ liệu trước khi phần mềm của Bộ GD&ĐT khóa lại. Hiệu trưởng của một trường ĐH tại TP.Hồ Chí Minh nhìn nhận thêm: “Thông tin đầy đủ của tất cả các cụm thì chỉ có duy nhất Cục Khảo thí của Bộ nắm toàn bộ. Có hay không việc một cá nhân hay nhóm nào đó đã đưa thông tin ra ngoài?”.

Theo luật sư Lưu Thị Quỳnh Trang, Đoàn luật sư TP.Hồ Chí Minh, bảo vệ thông tin riêng cũng như thông tin cá nhân là vấn đề thời sự không chỉ ở VN mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Hiến pháp, bộ luật Dân sự, luật Bảo vệ người tiêu dùng và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành đều đã có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân. Việc mua bán thông tin của TS rõ ràng là vi phạm pháp luật.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh