Múa Apsara: Vẻ đẹp khơi nguồn cảm hứng sáng tạo
- Văn hóa - Giải trí
- 17:23 - 19/05/2015
Biểu tượng của sức sống cuồng nhiệt
Múa Chăm thường đi với dàn nhạc như trống Ginang, Baranưng, kèn Xaranai. Phong tục người Chăm thì múa không phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày mà luôn gắn liền với lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo.
Múa Chăm đã ăn sâu vào trong máu, trong tâm hồn của người Chăm ngay từ tấm bé. Và một trong những điệu múa hay nhất của dân tộc này chính là múa Apsara. Hiện nay, hình ảnh các vũ nữ Apsara hiện diện hầu khắp di tích Champa tại các tỉnh từ miền Trung đến miền Nam.
Apsara của người Champa được thể hiện trên các khối đá sa thạch với khuôn mặt đầy đặn, đầu đội mũ kiểu Kirata - Mukata có nhiều tầng, hai mắt mở to, sống mũi cao và nở rộng. Để làm đẹp và tô điểm thêm sự duyên dáng của các vũ nữ, nghệ nhân Champa đã khắc đôi bông tai bằng những tua sợi rất tinh tế và hài hòa.
Hầu hết tượng Apsara luôn ở trong tư thế khỏa thân nửa phần trên của cơ thể, để lộ ra bộ ngực căng đầy sức sống. Tuy thân hình “bán lõa thể” nhưng vẫn giữ được vẻ trinh nguyên, vượt lên trên cảm giác xác thịt trần tục. Eo lưng thon thả cùng với bắp tay, bắp đùi tròn và cả thân mình bắt nhịp như rung bật theo từng động tác múa điệu nghệ khoe diễn những đường cong kiều diễm.
Bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ đã khắc họa vũ nữ Champa tươi đẹp và sống động. Trong đó, tượng vũ nữ tạc ở bệ tượng Trà Kiệu, thế kỷ X cao 60cm, rộng 55cm, là pho tượng thuộc loại đẹp nhất. Các nhà nghiên cứu gọi là bệ thờ Trà Kiệu hay bàn thờ vũ nữ. Động tác múa tạo nên một hình khối cân đối và chặt chẽ. Tư thế uốn lượn mềm mại của các vũ nữ như dấy lên một nỗi đam mê cuồng nhiệt.
Sức sống trường tồn của văn hóa Chămpa
Apsara là hình tượng nghệ thuật luôn gây niềm cảm hứng mãnh liệt cho các nhà biên đạo múa. Apsara đã hóa thân từ đá thành những vũ điệu uyển chuyển, mượt mà, ca ngợi vẻ đẹp, những đường cong tuyệt mỹ mà tạo hóa đã ban tặng cho phái đẹp. Từ sân khấu chuyên nghiệp đến các hội diễn nghệ thuật quần chúng đều có điệu múa Apsara.
Trong các sự kiện văn hóa ở xứ Quảng, lễ hội Ka Tê của người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận đều không thể thiếu màn múa Apsara. Vũ điệu ấy là biểu tượng của cái đẹp thuần khiết, đầy tính biểu cảm, như lời bài hát của nhạc sĩ Amư Nhân: “Ngủ quên trong kiếp đá Apsara, bàn tay người nghệ sĩ hóa thân ngà. Trăm năm làm một thuở nỗi mơ nung nấu ngàn đời, nung nấu ngàn đời mãi không nguôi. Ngàn năm trong kiếp đá Apsara, bàn tay người vũ nữ nét thiên thần, trên môi cười điệu nghệ, hồn mở ra vóc dáng hình hài, phiêu lãng đường trần mãi trông chờ”.
Apsara là một trong những nét độc đáo của nền âm nhạc Chămpa. Điệu múa này được phối hợp hết sức hài hòa và linh hoạt trong từng điệu nhảy, bước đi uyển chuyển của những vũ nữ Chăm. Trong nghệ thuật kiến trúc Chăm, bên cạnh các hình tượng thần Brahma, Visnu, Siva, Linga, Yoni... hình ảnh các vũ nữ Apsara cũng là một hình tượng khá quen thuộc mà chúng ta vẫn thường bắt gặp trong các đền tháp như: Kinh đô Trà Kiệu (Quảng Nam), tháp Dương Long (Bình Định), tháp Bà Pogana (Nha Trang)...
Theo truyền thuyết Chămpa, tiên nữ Apsara là vũ nữ chuyên múa hát trên cõi đời do thần Indra (thần sấm sét) cai quản. Hình tượng tiên nữ Apsara được thể hiện ở nhiều bố cục khác nhau như, tiên nữ độc diễn, tiên nữ múa tập thể... Nhưng dù ở phong cách tạo hình nào thì dưới đôi tay khéo léo của những người thợ Chăm, các vũ nữ đều trở nên sinh động, linh hoạt, mang tính biểu cảm cao.
Trong hình tượng các tiên nữ múa tập thể, ở chân tháp Bánh Ít (Tuy Phước), thể hiện bốn vũ nữ trong tư thế nhảy múa, bộ ngực căng nở đầy sức sống, mỗi cánh tay thể hiện một phong thái khác nhau: Tay phải chống nhẹ vào hông, tay trái giơ cao. Thân hình tròn, gọn để trần, quanh bụng quấn sampót bay ra phía sau.
Mỗi vũ nữ thể hiện một tư thế, kết lại thành một băng trang trí hoàn chỉnh, đầy sức sống. Hay như bức phù điêu bằng đá sa thạch (hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Bình Định) cũng thể hiện hình ảnh các vũ nữ đang hoà mình theo điệu múa thần thánh, với đầu đội mũ chóp nhọn nhiều tầng, thân hình uyển chuyển đang phô diễn cơ thể dưới lớp vải mỏng.
Điều đặc biệt, trong nghệ thuật tạo hình các vũ nữ Apsara động tác tay được điêu khắc khá tỉ mỉ và đạt tới trình độ cao. Bởi lẽ, trong nghệ thuật múa Ấn Độ và Chămpa, đôi tay là sự biểu đạt cao nhất trong việc thể hiện nội dung và phong cách của vũ điệu. Động tác tay càng khéo léo, uyển chuyển thì bài múa mới đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật biểu diễn.
Hình tượng tiên nữ độc diễn cũng được tạo dáng một cách tinh tế, làm bật lên vẻ đẹp kiêu sa, thần bí của nàng vũ nữ. Ở kinh đô Trà Kiệu hình ảnh các tiên nữ độc diễn chiếm vị trí chủ đạo, với động tác múa choãi chân ra hai bên và chùng xuống đổ dồn trọng lượng cơ thể trên đầu mũi chân, cơ thể uyển chuyển như đặt hết tâm tư vào điệu múa. Nhưng cũng có lúc là tượng nữ thần đang múa trong tư thế hai chân chùng xuống, hơi đưa mông về phía bên trái, tay trái chống hông, tay phải cầm mũi tên, tám tay phụ mọc ra phía sau lưng vũ nữ, mỗi tay cầm một đồ vật khác nhau như tù và, đoản kiếm, cánh cung, cây trượng, chuông nhỏ và chiếc giáo cũng đang uyển chuyển, nhịp nhàng trong những động tác múa khác nhau. |