MTTQ Việt Nam TP.HCM nhận nhiều cuộc gọi của người dân về chính sách hỗ trợ và nhu yếu phẩm
- Dược liệu
- 23:57 - 29/07/2021
Theo đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết, từ 10 đến 28/7, đơn vị đã tiếp nhận 2.014 cuộc gọi phản ánh từ người dân, chủ yếu xung quanh vấn đề chậm nhận tiền hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, hỗ trợ nhu yếu phẩm người ở khu vực phong tỏa.
Bên cạnh đó, nhiều cuộc gọi phản ánh về vấn đề y tế như: Cần được hỗ trợ y tế (hướng dẫn cách tự theo dõi; đề nghị khử khuẩn khu vực…); có người trong hẻm là F0 nhưng không thấy giăng dây phong tỏa, không khử khuẩn; có người nhà đang ở tại bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 cần được quan tâm thăm khám…
Ngay khi nhận được những cuộc gọi phản ánh về việc chưa nhận được tiền hỗ trợ Covid-19, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM các cấp tiếp nhận và xem xét người gọi thuộc nhóm hỗ trợ hay không, sau đó chuyển thông tin, giám sát chính quyền thực hiện công tác này. Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM cũng tổ chức đoàn giám sát tại một số địa phương để có định hướng kịp thời.
Đối với nhóm vấn đề hỗ trợ, chăm lo an sinh xã hội, hệ thống MTTQ Việt Nam TP.HCM đã xác minh thông tin và kịp thời hỗ trợ. Những trường hợp đặc biệt (nhà neo đơn, bệnh đau, nhà có con nhỏ..) được theo dõi và định kỳ hỗ trợ.
Đối với nhóm phản ánh về vấn đề y tế: Mặt trận cơ sở báo ngay cho trung tâm y tế địa phương để theo dõi, hướng dẫn người dân. Trường hợp tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 thì hướng dẫn người dân gọi phản ánh lên tổng đài 1022 (vì ngoài phạm vi thẩm quyền của địa phương).
Liên quan đến việc chi trả gói hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chiều 28/7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn gửi các cơ quan, sở, ngành, quận huyện và TP Thủ Đức về việc triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg.
UBND TP giao các quận, huyện, TP Thủ Đức rà soát, xác định số lượng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ và triển khai thực hiện chính sách, lập dự toán kinh phí gửi các sở, ngành quản lý để tổng hợp, đề nghị bố trí kinh phí thực hiện.
Đồng thời, các quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thẩm định và phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ, trực tiếp giải quyết những nội dung phát sinh; cân đối ngân sách địa phương để thực hiện hỗ trợ kịp thời cho người lao động, người sử dụng lao động bị tác động bởi dịch Covid-19; tổ chức giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách hỗ trợ theo hướng công khai, minh bạch, dân chủ, đúng đối tượng, đúng chính sách.
UBND TP giao các sở, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ theo phân công cụ thể, hướng hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhanh chóng, kịp thời, góp phần phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của dịch bệnh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết, TP ưu tiên chi hỗ trợ trước cho nhóm lao động tự do, không giao kết hợp đồng lao động.
Việc rà soát, bổ sung danh sách vẫn được làm song song. Công tác thực hiện hỗ trợ các nhóm như lao động hoãn việc, ngừng việc tạm thời không hưởng lương, hộ nghèo, người khuyết tật, thương binh... cũng đang được triển khai.
Theo ông Tấn, ngoài gói hỗ trợ 887 tỉ đồng, Sở đã có văn bản gửi UBND TP.HCM tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68 của Chính phủ.
"TP.HCM sẽ thực hiện song song hai chính sách hỗ trợ. Có những nhóm mà gói hỗ trợ bằng ngân sách của TP.HCM không có thì sẽ bổ sung, các nhóm nào trùng nhau thì sẽ thực hiện theo chính sách nào có chế độ hỗ trợ cao hơn", ông Tấn nói.