Bình Phước không để xảy ra trực lợi chính sách khi triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ
- Dược liệu
- 02:40 - 17/07/2021
Ngày 16/7, UBND tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ. Tại điểm cầu tỉnh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh chủ trì buổi làm việc.
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, do điều kiện còn khó khăn, vì vậy tỉnh chưa thể thực hiện đầy đủ theo các đối tượng của Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trước mắt, sẽ ưu tiên tập trung hỗ trợ cho đối tượng là người lao động tự do và các đối tượng thuộc diện thực hiện cách ly theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ.
Tổng số lượng dự kiến hỗ trợ là 15.477 người với kinh phí hơn 23,3 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách hơn 23,2 tỷ đồng. Thời gian thực hiện bắt đầu từ ngày 19 - 25/7/2021.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị các ban, sở, ngành, các địa phương khẩn trương triển khai kịp thời đến người được hỗ trợ một cách nhanh nhất. Thực hiện đúng theo nguyên tắc: đúng đối tượng, công khai, minh bạch; không để lợi dụng, trục lợi chính sách; mỗi đối tượng chỉ hưởng 1 chế độ cao nhất. Phó Chủ tịch yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu được sự quan tâm của chính sách đối với người lao động.
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP, có 9 nhóm người lao động tự do, lao động đặc thù thuộc diện hỗ trợ: Nhóm buôn bán lẻ làm công việc buôn bán hàng rong không có địa điểm cố định, tại chợ, tại nhà; làm công việc thu gom rác, phế liệu; làm công việc bốc vác, vận chuyển hàng hóa, lái xe 3 gác, mô tô 2 bánh chở khách, xe dịch vụ; làm việc trong lĩnh vực ăn uống, dịch vụ tiệc cưới, lưu trú, du lịch, khách sạn, quán ăn; làm đẹp, chăm sóc sức khỏe; thợ xây - phụ hồ, thợ sơn, thợ nhôm - sắt - kính, thợ sửa xe, thợ điện - nước, thợ trang trí nội thất, thợ sửa máy móc, thiết bị; người lao động làm việc trong các trường học (nấu ăn, bán căn tin), quán karaoke, quán nước giải khát, cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ; người lao động làm thuê, làm mướn những công việc không cố định và nhóm người bán lẻ xổ số lưu động.
Mức hộ trợ 50.000/người/ngày, tính theo ngày mất việc thực tế, tối đa không quá 30 ngày. Thời gian mất việc của các đối tượng này không liên tục thì chi theo thực tế số lượng ngày mất việc làm từng đợt, nhưng tối đa không vượt quá 30 ngày.
Những người làm tại các doanh nghiệp, hợp tác xã bị tạm ngưng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19, nhưng không có đủ điều kiện được hưởng chính sách theo quy định điểm 4, 5, 6, Mục II của Nghị quyết 68/NQ-CP được chi trả một lần theo mức: 1,5 triệu đồng/người đối với những người lao động tạm hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên; 01 triệu đồng/người đối với người lao động ngưng việc từ 14 ngày trở lên; 1,5 triệu đồng/người đối với lao động mất việc do doanh nghiệp, hợp tác xã ngưng hoạt động.