Mourinho - tù nhân trong phòng giam mang tên Quá khứ
- Văn hóa - Giải trí
- 23:51 - 28/09/2018
Tại anh tại ả, hay tại cả đôi bên?
Câu chuyện giữa Jose Mourinho và Paul Pogba, HLV trưởng và cầu thủ quan trọng nhất tại Man Utd, đã kéo dài từ mùa hè đến giờ mà chưa có hồi kết. Các chuyên gia, cựu cầu thủ, CĐV đều đã đưa ra rất nhiều góc nhìn. Mới đây, trên ESPN, nhà bình luận nổi tiếng Gabriele Marcotti góp thêm tiếng nói thông qua bài viết: "Cuộc chiến với Pogba cho thấy Người Đặc Biệt đã không còn đặc biệt".
Vì sao lại nói thế? Vì đã có lúc, Mourinho được xem là hình mẫu của thuật “đắc nhân tâm”. Ngay từ khi khởi nghiệp ở Benfica cho đến khi lên tới đỉnh cao với cú ăn ba tại Inter Milan, ông vẫn được xem là một bậc thầy về quản trị nhân sự. Vì xét về chiến thuật, thứ bóng đá phòng ngự - phản công của Mourinho không hề mới mẻ. Đấy đều là sự góp nhặt của những trường phái cũ, kết hợp với những cập nhật về số liệu và khoa học thể thao.
Điều giúp Mourinho trở nên đặc biệt là thuật đối nhân xử thế. Zlatan Ibrahimovic chỉ làm việc với Mourinho trong vỏn vẹn một năm, khi ra tự truyện đã tán dương ông như HLV tuyệt vời nhất mà anh từng được diện kiến. Những cầu thủ ngổ ngáo cỡ như Marco Materazzi cũng quy phục Mourinho tuyệt đối, thậm chí còn khóc nức nở khi biết tin ông rời đi, sang Real Madrid. Đấy là vì Mourinho luôn nhìn rõ được bản chất của từng cầu thủ, nhờ vào sự quan sát tỉ mỉ, và sự tinh tế trời cho.
Mourinho từng nói với Marcotti và Gianluca Vialli, trong thời gian Marcotti viết quyển "The Italian Job” cho huyền thoại bóng đá người Italy như sau: "Không bao giờ có một công thức giải quyết độc nhất cho vấn đề nhân sự. Phải tùy theo nết ăn nết ở của từng cầu thủ mà chiều. Ví như John Terry, khi gặp vấn đề tôi có thể hét thẳng vào mặt cậu ấy, thậm chí là chửi tục. Nhưng với William Gallas, không thể làm thế. Chửi Gallas là coi như hết nhìn mặt cậu ấy được nữa. Vậy thì tôi làm gì? Quàng tay qua vai cậu ấy, bày tỏ sự ủng hộ, tìm một lối ra khác".
Mourinho của những năm giữa 2000 từng thành công nhờ thuật đắc nhân tâm, biến những cá tính mạnh như Terry, Lampard thành những người lính, sẵn sàng chiến đấu hết mình vì ông.
Ngày mà Mourinho nói câu ấy đã cách đây... 13 năm. Đấy là giai đoạn Mourinho mới sang Anh, mới vào nghề, đầy hoài bão, có kiêu hãnh nhưng thông minh và cầu thị. Nhưng bây giờ, với những mối quan hệ rạn vỡ tại Old Trafford, người hâm mộ tự hỏi điều gì đã khiến Mourinho thay đổi. Hay như nhà báo Marcotti đặt ra câu hỏi thú vị: nếu như Mourinho của 13 năm trước lên máy du hành thời gian đến hiện tại, liệu ông có nhận ra được bản thân hay không?
Nói như thế, không có nghĩa Mourinho của năm 2005 là một thiên thần. Ông khi đó cũng là một con người bình thường vời đầy rẫy những hỉ nộ ái ố. Nhưng khác chăng, Mourinho bảo vệ cầu thủ của ông đến tận cùng. Mourinho đưa mặt ra hứng chịu tất cả chỉ trích, chỉ để các học trò toàn tâm tập luyện và thi đấu.
Nhưng bây giờ, ông bắt đầu "nướng" cầu thủ bằng ngọn lửa truyền thông. Ông công kích họ, từ thẳng thừng đến xéo xắc. Vụ tuyên bố Pogba sẽ không được mang băng thủ quân của Man Utd nữa là một ví dụ. Ai cũng biết đội trưởng của Man Utd là Antonio Valencia. Khi hậu vệ người Ecuador không ra sân, sẽ có người thay anh đeo tấm băng thủ quân ấy, đấy có thể là Chris Smalling, Juan Mata hay Ashley Young như tuyên bố hồi mùa hè.
Rồi một hôm Mourinho trao nó cho Pogba, chỉ để ít lâu sau tuyên bố Pogba sẽ không bao giờ được chạm tay vào tấm băng ấy nữa. Đấy là cách xử lý quá ư cá nhân, như cốt để tuyên bố: Pogba không xứng đáng là người lãnh đạo của Man Utd. Bỏ qua việc Pogba quả thực đã sai không ít trong cuộc chiến này, hành động của Mourinho là một cái tát thật sự vào sự kiêu hãnh của tiền vệ người Pháp. Đấy là châm dầu vào lửa, là đẩy quan hệ thầy trò đến ngưỡng bất khả cứu vãn.
Mourinho thay đổi và thời thế cũng thay đổi, khiến các ngôi sao không còn phục tùng ông như trước kia.
Tình huống này, nếu trở về năm 2005, Mourinho có lẽ sẽ không làm thế. Ngày ấy, trong đầu ông chỉ nghĩ duy nhất một việc: làm sao để cầu thủ thi đấu tốt hơn và tốt hơn nữa. Ông không sa đà vào những trò chơi chính trị. Nhưng những năm gần đây, Mourinho dính dáng vào nhiều vào những cuộc chiến như thế. Ở Madrid ông đấu Iker Casillas, Sergio Ramos, Pepe, Cristiano Ronaldo. Ở Chelsea nhiệm kỳ hai, ông đấu Eden Hazard. Ở Man Utd, Mourinho lần lượt đem Luke Shaw, Anthony Martial, các trung vệ Phil Jones, Eric Bailly... và Pogba ra công kích.
Ngày xưa, ông dẫn dắt Porto, mang họ đến chức vô địch Europa League và Champions League trong hai năm liền. Lực lượng trong tay Mourinh khi đó không phải là những hảo thủ hạng nhất. Vậy mà bây giờ, với những cầu thủ tốt hơn, ông lại cho ra những kết quả tồi hơn. Ngày xưa, Mourinho không bật lại lãnh đạo, công khai hoài nghi chính sách chuyển nhượng và đẻ ra đủ thứ thuyết âm mưu. Ông khi ấy là một nhân viên mẫn cán, đặt tay lên ngực và trung thành tuyệt đối với tập thể. Nhưng sau khi rời Inter Milan hè 2010, những năm sau đó là thời gian lạc lối. Mourinho bắt đầu đặt ông cao hơn tập thể, bị quyền lực ám ảnh và tụt lại về chuyên môn, giữa một thế giới chiến thuật đang biến đổi theo từng mùa.
Khi kết thúc trận thua Tottenham 0-3 mới đây, ông vào phòng họp báo và đưa ba ngón tay, ngụ ý mình đã có ba chức vô địch Ngoại hạng Anh, nhiều hơn tất cả những HLV đang làm việc ở Anh cộng lại. Đấy là một sự ngoái nhìn quá khứ.
Gần 10 năm kể từ cú ăn ba với Inter, 15 năm sau thời đỉnh cao ở Chelsea, Mourinho thực sự là một tù binh, trong phòng giam do chính ông tạo nên, bởi sự ngạo mạn của một "Người Đặc Biệt" nay không còn đặc biệt nữa.