CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:14

Một vụ cưỡng chế không thấu tình, đạt lý

 

Quyết định số 1990/QĐ-UBND ngày 19/12/2012 của UBND tỉnh Cao Bằng về việc “giải quyết đơn khiếu nại” đã thừa nhận, khu đất bị cưỡng chế nêu trên ông Bế Ích Ngân (trú tại xã Quảng Hưng, huyện Quảng Uyên) đang khiếu nại đòi quyền quản lý, sử dụng: “Là do bố mẹ ông Ngân mua trong khoảng năm 1940 - 1943, nhưng không cụ thể về vị trí, ranh giới, diện tích và có giấy chứng minh… Năm 1990, do các cơ quan quản lý lỏng lẻo nên ông Ngân đã dựng 2 ngôi nhà gỗ trên khu đất này…”. Đó là về nguồn gốc, còn về hiện trạng, quyết định này cũng đã thừa nhận: “Cơ quan nhà nước đang sử dụng 18.073,6m2; số diện tích còn lại là 1.143,29m2 do một số hộ gia đình chiếm dụng và một số hộ đã được Nhà nước giao làm nhà ở”. 

Được biết, ông Bế Ích Ngân là con trai của lão thành cách mạng Bế Ích Tịnh và Mẹ Việt Nam anh hùng Nghiệp Thị Thuận. Ngoài ra, anh, em của ông là liệt sĩ hy sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, bản thân ông là người bị chất độc da cam và con gái ông đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ chất độc này. Vào những năm trước và sau cách mạng 1945, gia đình ông có thửa đất tại số 57, tờ bản đồ 16 phố Trung Hòa, thị trấn Quảng Uyên, tức khu đất bị cưỡng chế. Những năm sau này khi địch bắn phá miền Bắc, thực hiện chương trình sơ tán, gia đình ông chuyển về quê. Đến năm 1990, gia đình ông quay lại nơi cũ, dựng tạm căn nhà nhỏ để ở và làm nơi thờ tự các liệt sĩ và Mẹ Nghiệp Thị Thuận. Về nguồn gốc, quyền sở hữu cũng như nội dung trên đều được các cán bộ hưu trí, nguyên lãnh đạo địa phương xác nhận. Kể từ ngày đó, ông Ngân xin được cấp một phần nhỏ, trong tổng số diện tích gần 20.000 m2 trên để làm nơi thờ tự cho mẹ, anh, em và bản thân sau này. Vì ông cho rằng đây là đất hương hỏa, tổ tiên để lại, các anh, em của ông được sinh ra, lớn lên tại mảnh đất này, nhưng họ đã hy sinh và chưa tìm thấy hài cốt nên có di nguyện được thờ tại đây; hoặc nếu thu hồi thì có chính sách hỗ trợ, bồi thường để gia đình có nơi thờ tự, thể hiện một việc làm thiêng liêng với những người con đã khuất vì đất nước.

Ngôi nhà thờ 2 liệt sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng Nghiệp Thị Thuận.

Song chính quyền địa phương không thừa nhận những lời đề nghị được cho là thấu tình, đạt lý như trên; không thừa nhận việc gia đình ông Ngân đã từng và đang ở khu đất bị cưỡng chế; đồng thời cho rằng việc ông ở từ năm 1990 là trái phép và yêu cầu tháo dỡ. Cụ thể, văn bản số 2627/QĐ-UBND ngày 22/12/2011 của UBND huyện Quảng Uyên đã quyết định “không thừa nhận việc đòi bồi thường, quản lý và sử dụng khu đất thực phẩm cũ của ông Bế Ích Ngân”. Còn về UBND tỉnh Cao Bằng, mặc dù thừa nhận nguồn gốc là “do bố mẹ ông Ngân mua trong khoảng năm 1940 - 1943,... năm 1990, ông Ngân đã dựng 2 ngôi nhà gỗ trên khu đất này”, song với văn bản số 1990/QĐ-UBND ngày 19/12/2012, tỉnh này vẫn quyết định “không chấp nhận đơn khiếu nại của ông Bế Ích Ngân đòi quyền được sử dụng đất”.

Lý lẽ mà các cơ quan này đưa ra là “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất và không xem xét giải quyết khiếu nại việc đất mà Nhà nước đã giao cho người khác sử dụng”. Thậm chí, ông Ngân có nguyện vọng được cấp một khu đất khác để ổn định chỗ ở, và tại văn bản số 4474/BTNMT-Ttr ngày 14/10/2014, Chánh thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ rõ: “Gia đình ông đông người, thuộc diện gia đình chính sách, có hai liệt sĩ, mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, bản thân là nạn nhân chất độc da cam, ông có nhu cầu được giao đất để ổn định chỗ ở, việc này thuộc thẩm quyền của UBND huyện Quảng Uyên”. Thế nhưng,  trong văn bản trả lời công dân số 208/UBND-TNMT ngày 25/3/2016 do Chủ tịch UBND huyện Đinh Huy Giáp ký, cho rằng: “Ông Ngân không thuộc diện khó khăn về đất đai nên UBND huyện Quảng Uyên cũng không xem xét việc giao đất cho gia đình ông Ngân”. Đồng thời quyết định: “Huyện đã trả lời nhiều lần, nếu sau này gia đình không có các giấy tờ khác chứng minh liên quan đến khiếu nại thì UBND huyện sẽ không trả lời”.

Là gia đình chính sách, có công lớn với đất nước lẽ ra phải được đền đáp xứng đáng, song không hiểu có phải chính quyền tỉnh Cao Bằng “vô cảm” với người có công, hay “cứng nhắc trong quản lý” hoặc vì một lý do nào đó đã vô tình đẩy một cựu chiến binh phải lặn lội khắp nơi đi tìm công lý.

Nhóm PVPL/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh